Phim truyện truyền hình – Ai nâng chất lượng ?

       Khi phim Việt đủ thời lượng phủ sóng 30% đến 50%, đẩy lùi phim ngoại như yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, cũng là lúc khán giả màn ảnh nhỏ bắt đầu ngán ngẩm vì chất lượng, nội dung phim càng ngày càng dở tệ. Bối cảnh “nghèo nàn”, câu chuyện phim nhạt nhòa, ngô nghê; diễn viên diễn hời hợt…

Túm cổ đại gia mở màn cho vệt phim 22 giờ trên HTV9, bắt đầu từ 26-4.

Không né tránh và mong muốn có thể  kiểm soát được tốt hơn phim Việt về cả nội dung và nghệ thuật, HTV vừa chính thức công bố:  “Muốn có một vệt phim truyền hình có nội dung mang tính giáo dục cao, có nét riêng trong dòng phim Việt trên truyền hình, cho khung giờ 22 giờ trên HTV9”. Theo đó, HTV chọn lọc 3 đối tác (trong số rất nhiều đơn vị sản xuất phim cho HTV hiện nay), gồm có: Sóng Vàng, SenaFilm và Vietcom Film.

Theo bà Trường Sơn, Trưởng phòng Khai thác phim truyện HTV, cho biết: “3 đối tác này được chọn vì họ đã có quá trình, kinh nghiệm làm phim với HTV và các phim do họ sản xuất thời gian qua có chất lượng đồng đều, có hiệu quả tốt về rating (tỷ lệ người xem). Mỗi đơn vị có một thế mạnh riêng, nhưng nhìn chung đều là những đơn vị có trách nhiệm khi sản xuất”.

Để tạo thành thói quen và lượng khán giả riêng xem phim vào khung giờ này, HTV đưa ra tiêu chí: “Thể loại là tình cảm – tâm lý xã hội – gia đình – hình sự – hài,  gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân TPHCM và các tỉnh lân cận (nhưng chủ yếu chú trọng đến khán giả ở TPHCM); kịch bản của các tác giả Việt Nam hiện đại hoặc chuyển thể từ những tiểu thuyết đã phát hành và có lượng người đọc cao”.

VietcomFilm mở đầu vệt phim 22 giờ trên HTV9 bằng bộ phim Túm cổ đại gia – dài 32 tập, đạo diễn: Nguyễn Quang Minh (bắt đầu phát sóng từ 26-4). Với thể loại tâm lý tình cảm pha chút hài hước, nhân vật chính là Diệp (Tường Vy đóng) – một cô gái dễ thương, có cá tính, muốn chứng tỏ cho cha mẹ mình có thể tự lập nên bỏ lên thành phố tìm việc với lời hứa: nếu không thành công sẽ không quay về. Cho rằng mình thông minh, xinh đẹp hơn nhiều cô gái có đại gia chống lưng, cô quyết định chọn con đường chinh phục đại gia và cũng từ đây xảy ra bao nhiêu tình huống hài hước, dở khóc dở cười… Đề tài nhẹ nhàng, nhưng đã phản ánh phần nào mặt trái và cả những bi hài kịch về sự ngộ nhận của một bộ phận lớp trẻ muốn thành công nhanh chóng. Tiếp sau Túm cổ đại gia là phim Chạy trốn tình yêu dài 32 tập, đạo diễn: Nguyễn Mạnh Hà, do Sóng Vàng sản xuất. Khi phim này kết thúc là đến Vợ của chồng tôi dài 30 tập, đạo diễn: Việt Trinh, do SenaFilm sản xuất.

Bà Trường Sơn nhận định: “Nếu phim làm tốt, khung giờ 22 giờ là khung giờ đẹp, không có nhiều phim cạnh tranh như 20 giờ – vốn được xem là giờ vàng, có rất nhiều phim chen chân phát sóng giờ này trên hầu hết các đài truyền hình. Khán giả của 22 giờ cũng là khán giả chọn lọc rồi (người già, trẻ em ít còn thức giờ này). Xem xong một tập phim rồi đi ngủ, thời gian vừa phải lại là cách thư giãn dễ chịu – nếu phim tốt”.

Bà Trường Sơn cho biết thêm: “HTV ký hợp đồng làm việc với 3 đơn vị này trong vòng 2 năm. Trong 2 năm ấy, nếu tiến độ sản xuất phim của đơn vị nào không hoàn thành sẽ đôn phim của đơn vị khác lên. Sau 2 năm tổng kết lại, nếu đơn vị nào có 2 phim bị rớt rating thì đơn vị đó sẽ bị loại khỏi cuộc chơi; HTV sẽ tìm đơn vị khác thay thế”.

Điều này chính là áp lực buộc các đơn vị hợp tác làm phim với đài phải chú ý đầu tư sản xuất phim sao cho phim đủ khả năng thu hút và giữ được lượng khán giả theo dõi nhất định; muốn vậy, chỉ có thể làm phim đạt yêu cầu về chất lượng nội dung, nghệ thuật và tiếp cận được với thị hiếu nhất định của khán giả màn ảnh nhỏ. Quả là một bài toán không hề đơn giản và một cuộc chơi không hề dễ dàng với các nhà sản xuất phim truyền hình Việt hiện nay.