Nóng bỏng vụ kiện pháp lý tại Biển Đông

Nỗ lực tháo gỡ tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế được nhấn mạnh trong phiên điều trần vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Từ ngày 7/7, năm thẩm phán của Tòa án trọng tài quốc tế (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đã bắt đầu phiên tranh tụngvề vấn đề thẩm quyền của tòa trong vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền đơn phương “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Manila đã đệ đơn lên PCA từ đầu năm 2013 nhằm khẳng định quyền khai thác vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này theo như định nghĩa được đưa ra trong Công ước Quốc tế về luật biển (UNCLOS).

Philippines tuyên bố rằng, PCA có thẩm quyền can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc xung quanh quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và đánh bắt cá trên Biển Đông. Và nước này muốn tòa làm rõ các giới hạn lãnh thổ để bảo vệ quyền đánh cá và khai thác trong khu vực đặc quyền kinh tế của Manila cũng

Đồng thời, việc Philippines kiện Trung Quốc lên PCA cũng nhằm hy vọng tòa án yêu cầu Trung Quốc giải thích “đường 9 đoạn” là gì, do đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra được một khái niệm rõ ràng, cụ thể về tuyên bố chủ quyền đơn phương của họ trên Biển Đông. Từ đó, tòa có thể ra phán quyết “đường chín đoạn” là vô giá trị và không phù hợp với luật pháp quốc tế khi chiếm hơn 80% diện tích EEZ của Manila, theo ý kiến của Giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle, Manila, Philippines.

Trong những ngày đầu của phiên điều trần, Bộ trưởng Ngoại giao Phillipines đã vạch ra 5 luận điểm chính về những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông xoay quanh quyền đánh bắt cá, và khai thác các tài nguyên bao gồm: Tuyên bố Trung Quốc về quyền theo lịch sử, Đường 9 đoạn, Đá và đảo, vi phạm luật biển quốc tế và hủy hoại môi trường biển.

 “Dưới mỗi luận điểm, chúng tôi giải thích vắn tắt về sự việc và có các đường dẫn tới các câu chuyện khác để người đọc tham chiếu, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết.

Phiên điều trần dự kiến kéo dài đến ngày 13/7, với sự góp mặt của các phái đoàn Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan với tư cách quan sát viên.


Theo Ngoại trưởng Del Rosario, UNCLOS được kí kết bởi 162 quốc gia là một yếu tố cân bằng giúp các nước nhỏ hơn có thể yêu cầu những nước lớn ngừng vi phạm lãnh thổ của mình

 

Philiipines đã chuẩn bị kĩ càng

Từ năm 2013 đến nay, Philippines đã nộp hàng nghìn tài liệu lên PCA và có sự chuẩn bị sẵn sàng. Và để chuẩn bị cho phiên điều trần lần này, Phillipines đã cử một phái đoàn cấp cao đến Hà Lan, baoo gồm các luật sư cố vấn, các quan chức hàng đầu ngành ngoại giao, quốc phòng và tư pháp của nước này cùng các luật sư nổi tiếng tại Washington mà Philippines thuê.

“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho vụ này. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có đủ chứng cứ pháp lý”, người phát ngôn Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte cho biết.

“Chúng tôi tin rằng, PCA sẽ ra phán quyết có lợi cho chúng tôi trong vụ này. Chúng tôi tự tin vào vị thế pháp lý của mình”, bà Valte nói thêm.

Phát biểu trước 5 thành viên Tòa trọng tài thường trực tại The Hague, Ngoại trưởng Del Rosario cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS bằng cách tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Theo các nhà quan sát bên ngoài, Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật cắt lát, đó là triển khai những bước nhỏ mà từng bước đơn lẻ không đủ để gây nên khủng hoảng. Nhưng khi cùng được thực hiện, chúng cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc từng bước tạo ra những sự đã rồi trên khắp Biển Đông”, theo thông tin trên tờ Inquirer.

Trung Quốc kiên trì đàm phán song phương

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về sự kiện lần này tại Manila, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua đã cho biết “Quan điểm của chúng tôi là nhất quán. Chúng tôi không chấp nhận cũng như sẽ không tham gia vào vụ kiện của Philippines lên PCA. Cánh cửa của chúng tôi vẫn để ngỏ cho khả năng tham vấn và đàm phán song phương và cánh cửa này sẽ mở mãi mãi”

Cũng trong cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh ngày 7/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết nước này không chấp nhận việc PCA có quyền xét xử vụ này và sẽ không tham gia vào quá trình tranh tụng. “Trung Quốc phản đối bất kỳ quy trình phân xử bằng trọng tài nào do Philippines đề xuất và thúc đẩy”.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, đây là chiến lược của Trung Quốc nhằm trì hoãn vụ kiện bởi việc tranh tụng về tính pháp lý của PCA có thể khiến vụ việc này kéo dài thêm từ 6-12 tháng trước khi chính thức đi vào phần xét xử.

Tuy nhiên, theo Reuter, Đại sứ quán Trung Quốc tại La Haye đã thành lập một đường dây liên lạc chính thức với PCA dù nước này đã bỏ qua thời hạn cuối cùng để đáp ứng các yêu cầu của PCA về việc nộp các văn bản trình bày quan điểm chính thức của họ về vụ kiện.

Tác động toàn cầu

Trên nguyên tắc, vụ kiện là một yếu tố hết sức quan trọng bởi nó nhấn mạnh nỗ lực trong việc tháo gỡ tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế hơn là cách tiếp cận đơn phương của Trung Quốc những năm qua, tờ The Diplomatnhận định.

Ngoại trưởng del Rosario cũng đã kêu gọi tòa PCA tuyên bố có quyền phán quyết vụ kiện về Biển Đông vì vụ kiện này“có tác động đối với toàn cầu và đối với việc áp dụng quy tắc luật pháp trong các tranh chấp biển”, theo thông tin trên The Philippine Star.

Nếu PCA tuyên bố mình không có đủ thầm quyền xét xử vụ kiện của Philippines, vụ kiện này sẽ bị hủy bỏ. Còn nếu Tòa trọng tài thường trực quyết định ngược lại, Philippines sẽ tiếp tục tranh luận những vấn đề mấu chốt của vụ kiện.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định, nếu PCA tuyên bố mình có thẩm quyền trong vụ kiện này, Philippines có thể sẽ được yêu cầu trưng ra những bằng chứng nhằm bảo vệ tính pháp lý của nước này trong một cuộc tranh tụng tiếp theo.

Thắng lợi bước đầu này sẽ giúp tạo cơ sở pháp lý để Philippines bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước này. Đồng thời, đây sẽ là một sự kiện mang tính khích lệ việc áp dụng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.

Tuy nhiên, việc tiến hành các thủ tục tố tụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tòa án sẽ bắt đầu với việc xác minh những tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông sau đó mới xét đến vụ kiện.

Tòa án có thể phán quyết có lợi cho Manila như đường chín đoạn của Trung Quốc không phải là tuyên bố chủ quyền hàng hải hợp pháp nhưng có thể không đồng ý với các tuyên bố chủ quyền của Philippines.

Bắc Kinh từ đó có thể sẽ thay đổi vị trí “đường lưỡi bò” cho phù hợp nhưng vẫn nhằm kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Như vậy, mặc dù đã khiến Trung Quốc lùi bước ở Biển Đông nhưng đây là một chiến thắng hạn chế hơn nhiều đối với Manila, tác giả Prashanth Parameswaran trên The Diplomat nhận định.

Cho dù lần này PCA đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, thắng lợi này chỉ mang tính biểu tượng, vì Trung Quốc từng tuyên bố không chấp nhận phán quyết đó, The StraitTimes cho biết. Hiện tại, Philippines đã phải tạm ngừng các hoạt động tuần tra trên Biển Đông trong khi các quốc gia quan tâm đến tự do hàng hải khu vực như Mỹ và Nhật Bản đang tìm kiếm tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đảm bảo lợi ích chiến lược của mình tại đây.

Diễn biến vụ kiện đang được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao nhưng phán quyết của tòa án, rõ ràng và kịp thời còn nằm ở phía trước.

Nguồn http://www.toquoc.gov.vn/