Nhiều hoạt động chào mừng giải phóng TP Đà Nẵng

Ngày 29-3, Triển lãm “Văn hóa Cơ Tu: nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng” khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng.


Biểu diễn múa Cồng chiêng tại triển lãm thu hút người dân.

Triển lãm giới thiệu và trình diễn các nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Đà Nẵng và Quảng Nam như: nghề dệt thổ cẩm, nghề đan mây tre và nghề điêu khắc gỗ do các nghệ nhân đến từ xã Tà Lu và xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam thực hiện. Giới thiệu sản phẩm rượu cần Phú Túc của xã Hòa Phú (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Biểu diễn múa cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu xã Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày một số hình ảnh, hiện vật giới thiệu về văn hóa ẩm thực, trang phục, lễ hội, sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Đồng bào dân tộc Cơ Tu là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Cơ Tu sinh sống tập trung ở vùng núi phía tây tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Thành phố Đà Nẵng, một số ít sinh sống ở vùng Tây Trường Sơn thuộc nước bạn Lào.

Hoạt động do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp huyện Hòa Vang thực hiện nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2016).

Cùng ngày, nhiều hoạt động chào mừng Giải phóng thành phố cũng được tổ chức. Hội thi vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi Đà Nẵng – chung tay xây dựng văn hóa – văn minh đô thị” do Thành Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo và Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng tổ chức cũng khai mạc. Hội thi thu hút sự tham gia của hơn 500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố. Tác phẩm dự thi xoay quanh các chủ đề: danh lam thắng cảnh Đà Nẵng; đời sống, sinh hoạt của người dân; văn hóa truyền thống và những hành động đẹp, những việc làm tốt nhằm xây dựng thành phố văn hóa…

Ngoài ra, nhiều chương trình nghệ thuật cũng được tổ chức như: Đêm nhạc “Sông Hàn – Hội trùng dương”; biểu diễn nghệ thuật tuồng; tổ chức các đợt phim, chiếu bóng lưu động về các xã phục vụ nhân dân…

Nguồn Báo Nhân Dân Online