Nhiễm bệnh từ thói quen ăn uống

Nhiều người dân dù không tiếp xúc với động vật hay sinh sống ở khu vực dịch tễ của sán lá gan nhưng lại bị nhiễm sán bởi những thói quen tưởng vô hại như: ăn rau sống, gỏi sống, cá sống… Các bác sĩ khuyến cáo, người nào cũng có thể nhiễm sán lá gan nếu có những thói quen ăn uống không hợp vệ sinh.

Nhiều ca nguy hiểm, phức tạp

Hai tháng trước, ông Lê Văn Thanh (56 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) xuất hiện những nốt mụn li ti trên da kèm theo những cơn ngứa. Tưởng bị dị ứng, ông đi khám tại nhiều cơ sở da liễu nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Cuối cùng, ông đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM và được xác định nhiễm sán lá gan nhỏ.

Cũng bị nổi mẩn, ngứa kèm theo chán ăn, vàng da, bà Trần Mỹ Dung (62 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đi khám và bất ngờ khi biết mình bị nhiễm sán lá gan lớn. Cả ông Thanh và bà Dung đều có thói quen ăn rau sống. Theo các bác sĩ, đây có thể là nguyên nhân khiến ông Thanh, bà Dung nhiễm sán.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng vừa tiếp nhận 2 trường hợp thai phụ nhập viện với tình trạng đau bụng thượng vị tăng dần, kèm sốt và buồn nôn. Qua siêu âm, một người được ghi nhận có ổ áp xe gan kích thước 5x8cm, còn người khác có ổ áp xe kích thước 7×8,4cm.

Đáng chú ý, cả hai thai phụ đều thường ăn rau sống từ quê gửi vào. Các bác sĩ nhận định đây là 2 ca bệnh phức tạp, khó xử trí và điều trị nên đã hội chẩn toàn viện và liên viện chuyên khoa ngoại, sản để có giải pháp can thiệp tốt nhất…

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trong 3 tháng đầu năm 2023, đơn vị này tiếp nhận và điều trị 172 ca bệnh áp xe gan do sán lá gan, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân đa số là nữ giới (68%), có độ tuổi trung bình là 40, đến từ 24 tỉnh, thành thuộc các khu vực miền Trung, miền Nam. Trong số này, có 23 ca bệnh phức tạp phải nhập viện nội trú. Một số ca diễn tiến nặng, nhập viện trễ, nguy cơ áp xe lớn dọa vỡ khiến việc điều trị khó khăn, phức tạp.

Tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM, số lượng người dân đến khám, xét nghiệm sán lá gan ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân.

Nhiễm bệnh từ thói quen ăn uống ảnh 1

Bác sĩ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM thăm khám cho bệnh nhân mắc sán lá gan

Bác sĩ Hoàng Oanh, Khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM, thông tin, hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại: sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ, xuất hiện ở ít nhất 47 tỉnh, thành. Người nhiễm sán lá gan đa số do ăn thức ăn tái, chín hoặc nấu ăn không chín kỹ, rau sống. Đặc biệt, sở thích ăn thức ăn sống (như các món sushi cá sống, gỏi thịt sống, nem chua thịt sống…) khiến cho số lượng người nhiễm sán ngày càng tăng.

Có thể điều trị nếu phát hiện sớm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những vùng dịch tễ của sán lá gan lớn, với số ca nhiễm đã được ghi nhận ở 47/63 tỉnh, thành trên cả nước. Các địa phương phát hiện nhiều nhất là các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định…

Sán lá gan ký sinh, trưởng thành, sinh sản ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu được thải qua phân ra môi trường bên ngoài. Các bác sĩ nhận định, đây không phải là bệnh hiếm gặp, ai cũng có thể nhiễm sán nếu có những thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, nhất là những người có thói quen ăn rau sống không rửa kỹ.

Bác sĩ Hoàng Oanh cho biết, sán lá gan có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như thai phụ, người lớn tuổi có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, ổ áp xe lớn dọa vỡ… có thể gây khó khăn, phức tạp cho điều trị.

Thậm chí một trường hợp bị vỡ gan đã được ghi nhận vào năm 2014. Người bị nhiễm sán lá gan thường có các triệu chứng như đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội. Người bệnh thường sốt nhẹ, thoáng qua hoặc có thể sốt kéo dài, sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, luôn có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và thường nổi mề đay, sẩn da. Đây là giai đoạn sán đi qua gan, thường kéo dài từ 2-4 tháng.

Đến giai đoạn sán trưởng thành ở ống mật, người bệnh thường sốt, ăn không ngon; một số người bị biến chứng tắc nghẽn đường mật có triệu chứng vàng da, sốt, đau bụng từng cơn. Siêu âm bụng phát hiện một khối mềm sáng gây tắc nghẽn đường mật ngoài gan. Giai đoạn này thường kéo dài nhiều năm.

Đáng lưu ý là sán lá gan lớn ngoài ký sinh ở gan còn có thể di chuyển và ký sinh trong cơ bắp, phúc mạc, đại tràng, khớp gối, tuyến vú, dưới da, tim, phổi, màng phổi, ổ mắt, thành bụng, ruột thừa, tụy, lách, hạch bẹn, hạch cổ, mào tinh hoàn…, gây nên những khối u nơi ký sinh rất khó chẩn đoán. Ở nước ta, các bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp sán lá gan lớn ký sinh ở dưới da ngực, tuyến vú, bắp chân và khớp gối.

“Để phòng bệnh, người dân không uống nước lã hoặc ăn rau sống mọc dưới nước. Hiện không có vaccine phòng ngừa sán lá gan, các thuốc dự phòng giun sán trên thị trường không có tác dụng với loại sán này. Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm bụng để được chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hoàng Oanh khuyến cáo.

Một nghiên cứu của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho thấy, trong các loại rau ăn sống mà người nhiễm sán lá gan lớn hay ăn thì rau cần có tỷ lệ nhiễm sán là 43,7%, rau ngổ 43,1%, rau diếp cá 40%, bạc hà 40%, rau xà lách 35,5% và rau răm 35,4%.

Nguồn SGGP