Người nước ngoài vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?

Nhiều người vẫn băn khoăn rằng người nước ngoài có bị xử phạt giao thông như công dân Việt hay không và dưới đây là thông tin giải đáp.
Người nước ngoài được hiểu là những người có quốc tịch của một quốc gia khác đang học tập, lao động, sinh sống, công tác ở trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khi cư trú ở Việt Nam, người nước ngoài đều có sự bình đẳng về năng lực pháp luật hành chính, không phân biệt màu da sắc tộc, nghề nghiệp hay tôn giáo. Dựa vào nguyên tắc quốc tịch được quy định ở trong Luật quốc tịch của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy chế pháp lý hành chính dành cho người nước ngoài sẽ có những hạn chế nhất định so với công dân Việt Nam. Do đó, người nước ngoài vi phạm luật ở Việt Nam cũng sẽ có những quy chế xử lý riêng.

Tuy nhiên, khi tham gia giao thông ở Việt Nam, nếu người nước ngoài vi phạm luật giao thông sẽ bị xử lý như công dân Việt Nam bình thường theo quy định của pháp luật, không có sự ưu tiên.

Theo đó, người nước ngoài nếu có giấy phép lái xe của quốc gia cư trú thì phải làm thủ tục chuyển đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam mới được điều khiển phương tiện lưu thông ở trên đường. Trong trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì phải thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Do đó, theo đúng luật, người nước ngoài phải đổi sang bằng lái xe Việt Nam mới được lưu hành.Trong trường hợp Việt Nam nằm trong các nước có điều ước quốc tế thì người nước ngoài có thể dùng giấy phép lái xe quốc tế để điều khiển lưu thông phương tiện ở Việt Nam. Khi vi phạm sẽ có hình thức xử phạt và mức xử phạt giống với công dân Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật, người nước ngoài vi phạm luật giao thông sẽ được xử lý dựa trên quy trình sau:

Bước 1: Dừng lại khi được cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra.

Bước 2: Xuất trình giấy tờ cần thiết để cảnh sát giao thông kiểm tra bao gồm: giấy phép lái xe; giấy đăng ký xe và bảo hiểm xe máy. Cảnh sát giao thông sẽ thực hiện kiểm tra giấy tờ và các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện.

Bước 3: Xử phạt vi phạm luật giao thông theo 1 trong hai trường hợp.

– Phạt tại chỗ: đối với những người nước ngoài vi phạm luật giao thông Việt Nam ở mức độ nhẹ, chỉ bị phạt cảnh cáo và không bị lập biên bản

– Phạt nguội: đối với những người nước ngoài vi phạm giao thông ở mức độ nghiêm trọng hơn, bắt buộc phải lập biên bản xử lý, tịch thu bằng lái xe. Người bị phạt sẽ phải đến Kho bạc Nhà nước đóng tiền phạt thì mới có thể lấy lại giấy phép lái xe. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, người vi phạm có thể đóng phạt online tại cổng dịch vụ công quốc gia nếu không thể đến nộp trực tiếp được tại kho bạc nhà nước.
Nguồn vov.vn