Ngoại trưởng Kerry thúc đẩy xoay trục và can dự châu Á

Với Ngoại trưởng Mỹ thăm Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia (13-18/2), Mỹ tăng cường can dự vào châu Á/Biển Đông.

Trong hơn một năm đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, các vấn đề Trung Đông chiếm phần lớn thời gian của ngoại trưởng Mỹ John Kerry với “ngoại giao con thoi”. Nhưng châu Á vẫn là khu vực trọng điểm của hoạt động đối ngoại Mỹ giai đoạn hiện nay. Khác với Trung Đông, chính sách châu Á đã định hình rõ nét từ những năm 2011-2012 của chính quyền Obama. Các chủ trương ngoại giao, kinh tế, an ninh quân sự đã được gia cố thêm trong năm vừa qua. Vậy chuyến thăm lần thứ 5 của ngoại trưởng Mỹ có những điểm nhấn gì?

Trước hết, ngoại trưởng Mỹ gia cố chính sách xoay trục sang châu Á. Tại đây đang diễn ra hai điểm nóng (biển Hoa Đông và Biển Đông). Chúng vừa đòi hỏi Mỹ phát huy vai trò trung gian hòa giải giữa các bên xung đột, nhất là giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vừa để Mỹ củng cố vai trò và chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Dù Mỹ muốn đóng vai trò trọng tài nhưng Mỹ cũng không thể thoái thác trách nhiệm với các đồng minh. Ngày 12/2, trong chặng dừng chân đầu tiên khi thăm Seoul, Ngoại trưởng Kerry đã tái khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi trách nhiệm phòng thủ của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật đòi hỏi Mỹ phải can thiệp nếu Nhật Bản bị nước thứ ba tấn công.

Ngoại trưởng Mỹ tại Bắc Kinh ngày 15/2: Mỹ và Trung Quốc có ít tiếng nói chung trong các vấn đề an ninh khu vực và xung đột biển đảo ở Đông Á

Dường như để phối hợp với Ngoại trưởng Mỹ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông khi đang ở thăm Malaysia mới đây, Đô đốc Greenert, Tư lệnh hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương và đóng vai trò là một nhân tố quan trọng giúp tái cân bằng cũng như duy trì ổn định trong khu vực. Tiếp đó, phát biểu trước các học viên Đại học Quốc phòng Phlippines (Manila), Đô đốc Greenert tái khẳng định Mỹ sẽ không đứng về bên cụ thể nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng cũng không chấp nhận các hành xử hiếu chiến vượt ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế; Washington tôn trọng và có nghĩa vụ bảo vệ Philippines theo Hiệp ước phòng thủ song phương ký năm 1951. Theo đó, nếu một trong hai nước bị tấn công quân sự thì nước kia sẽ có nghĩa vụ giúp đỡ. Đô đốc Greenert cho biết hải quân Mỹ sẽ triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ 5 cùng 60 tàu chiến các loại đến khu vực Tây Thái Bình Dương, tăng 10 tàu chiến so với con số 50 chiếc hiện nay.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện quan hệ với Trung Quốc, mặc dù hai bên, cũng như giới quan sát quốc tế, hầu như không kỳ vọng nhiều về kết quả chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kerry.

Tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh, hai ngoại trưởng nhất trí bắt đầu chuẩn bị cho vòng đối thoại chiến lược và kinh tế mới giữa hai nước, dự kiến diễn ra tại Trung Quốc mùa hè năm nay; thúc đẩy sớm ký kết một hiệp định đầu tư song phương và cố gắng xây dựng một cơ chế thông báo cho nhau về các hoạt động quân sự quan trọng. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về hợp tác chống khủng bố, không phổ biến hạt nhân, biến đổi khí hậu… Hiệp định đầu tư song phương là một điểm nhấn mới trong quan hệ song phương để bảo vệ lợi ích các công ty Mỹ khi Trung Quốc tái cơ cấu kinh tế và tạo ra nhiều rào cản đối với hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài.

Đáng chú ý, phía Mỹ đã cùng với phía Trung Quốc cam kết xây dựng mối quan hệ Trung-Mỹ kiểu mới “theo mô hình quan hệ giữa các nước lớn kiểu mới”. Rõ ràng, ít nhất là về mặt ngôn từ ngoại giao, Mỹ đang dần dần thích nghi với một vị thế lớn mạnh của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy với tư cách một cường quốc và đòi hỏi sự công nhận vai trò ấy của Trung Quốc.

Trả lời phóng viên về nội dung nghị sự của ông Kerry tại Trung Quốc, bà Marie Harf của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mỹ sẽ nhắc lại quan điểm phản đối sử dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Đây là lập trường đã được ông Danny Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương – trình bày trước Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tuần trước. Ông Russel đã lên án tính chất không phù hợp với luật pháp quốc tế của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc dùng làm cơ sở để đòi chủ quyền trên Biển Đông. Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, tính chất khiêu khích trong một số hành động của Trung Quốc đã làm “nảy sinh nhiều mối quan ngại trong vùng về ý đồ lâu dài của Trung Quốc”.

Về phía nước chủ nhà, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Ông Vương Nghị kêu gọi Mỹ có quan điểm khách quan và công bằng về vấn đề này.

Thứ ba, vấn đề Triều Tiên cũng được đề cập tại cuộc hội đàm ở Bắc Kinh. Ông Kerry đã kêu gọi Bắc Kinh làm mọi điều có thể để thuyết phục Triều Tiên giải giáp các chương trình hạt nhân của nước này. Ngoại trưởng Trung Quốc yêu cầu các bên liên quan thực hiện các bước đi cụ thể nhằm tạo các điều kiện thuận lợi cho việc lại nối đàm phán sáu bên vốn bị gián đoạn từ năm 2008. Thực ra, Trung Quốc có một số đòn bẩy đối với Triều Tiên, nhưng đã bị suy yếu đáng kể sau vụ thanh trừng nội bộ tại Bình Nhưỡng, trong đó người chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Chung un, một nhân vật thân Bắc Kinh, bị hành quyết.

Thứ tư, Ngoại trưởng Kerry chuyến này cũng nhằm chuẩn bị cho Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines vào cuối tháng 4 tới. Thông cáo của Nhà Trắng ngày 12/2 khẳng định “Chuyến công du này là một phần trong cam kết của Tổng thống về tăng cường quan hệ ngoại giao, kinh tế và hợp tác đảm bảo an ninh giữa Mỹ và các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Dù chuyến thăm chờ đợi từ năm ngoái của Tổng thống Mỹ bị trì hoãn, nhưng sự hiện diện của các nhân vật đứng đầu Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Bộ tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương đã gửi đi một thông điệp về việc Mỹ quyết tâm xoay trục và duy trì hiện diện mạnh ở châu Á, trong đó có Biển Đông. Phía Trung Quốc cho rằng Mỹ đang tăng chứ không giảm vai trò của mình. Wu Shicun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, nhận xét: “Chúng ta thấy thái độ của Mỹ đối vấn đề biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) thay đổi qua các năm – từ trung lập sang can dự có mức độ và nay can dự một cách tích cực”./.

Nguồn Tổ quốc