Nga làm ấm quan hệ với Ấn Độ

Quan hệ Nga – Ấn Độ thay đổi về bản chất sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Ấn Độ trong hai ngày 10 -11/12.

Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của ông Putin sau khi tân Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức hồi tháng 5 nhằm củng cố quan hệ với châu Á để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Ấn Độ từng thất vọng với Nga

Mối quan hệ truyền thống từ thời kì Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Ấn Độ đã phần nào bị bỏ bê với sự thất vọng từ cả hai phía dành cho nhau. Trong chiến lược đối ngoại “đa dạng hóa quan hệ” của Thủ tướng Modi cho thấy sự vắng bóng của Nga. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã tới thăm Nhật, Mỹ, và một số quốc gia Đông Nam Á Myanmar, Singapore và Việt Nam trong khi không một cuộc gặp chính thức nào được tổ chức giữa ông Modi và ông Putin. Hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Nga cũng còn hạn chế khi kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 10 tỷ USD năm 2013, chiếm 1% tổng thương mại mỗi nước và ước đạt 11,4 tỷ USD năm 2014.

Trong hợp tác quốc phòng, New Delhi đã thực hiện đa dạng hóa nguồn cung bằng cách nghiêng sang hợp tác với Mỹ, Pháp và Israel. Trong khi quan hệ Ấn Độ – Mỹ đang ngày càng được thúc đẩy với việc Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ đạt doanh thu 5,5 tỷ USD từ năm 2011 đến nay thì Ấn Độ cũng đã tỏ ra không hài lòng với việc chậm giao hàng của Nga, đặc biệt là tàu Đô đốc Gorshokov, hiện đang được tân trang cho hải quân Ấn Độ tại căn cứ hải quân Sevmash của Nga. Ban đầu Nga cam kết sẽ nâng cấp các tàu cho Ấn Độ vào tháng 8/2008 nhưng đã bị kéo dài đến cuối năm 2013 và giá thành đã bị đẩy lên gấp đôi, lên mức 2,3 tỷ USD.

Đặc biệt, các động thái thân cận với các đối thủ của Ấn Độ trong khu vực từ phía Nga đã tạo nên những gợn sóng trong quan hệ song phương. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5, ông Putin cho biết Nga coi quan hệ hợp tác với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu và quan hệ giữa hai nước này đang ở giai đoạn “tốt nhất từ trước đến nay”. Và vào tháng 11 vừa qua, Nga ký thỏa thuận hợp tác an ninh – quốc phòng với Pakistan, theo đó sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không chính thức và xem xét cung cấp máy bay chiến đấu Mig-35 cho Islamabad. Nga và Pakistan cũng đã lên kế hoạch tăng cường việc tàu chiến cập cảng giao lưu, tập trận chung hải quân, hợp tác chống khủng bố và buôn lậu ma túy, và giúp ổn định Afghanistan.


Ông Putin và ông Modi trò chuyện trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hồi tháng 8 vừa qua

 

Nga cần gì ở Ấn Độ?

Nước Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến mối quan hệ giữa Nga, Mỹ và EU xấu đi, nước Nga đã bị cô lập ở châu Âu. Dưới ảnh hưởng của các đòn trừng phạt kinh tế khắc nghiệt từ Mỹ và EU, cùng với sự sụt giảm của giá dầu đã khiến kinh tế Nga đứng trên bờ vực suy thoái. Bộ phát triển kinh tế Nga đã điều chỉnh dự báo GDP trong năm 2015 từ mức tăng trưởng 1,2% giảm xuống mức 0,8%. Một kịch bản bi quan hơn nhiều có thể xảy ra nếu giá dầu giảm xuống mức 60 USD/thùng. Khi đó, nền kinh tế Nga có thể suy giảm tới 3,5 – 4%. Trong bối cảnh này, Nga buộc phải tìm kiếm đối tác mới, để “bán cái mình có, lấy cái mình cần” trong đó Ấn Độ có vai trò quan trọng.

Nga đứng thứ hai thế giới về trữ lượng than và khí đốt tự nhiên, đứng thứ ba thế giới về sản xuất điện hạt nhân. Trong khi đó, Ấn Độ là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới, đứng thứ 5 thế giới về nhập khẩu dầu, ước tính khoảng 80% nhu cầu. Mặc dù có trữ lượng than đứng thứ ba thế giới nhưng hiện nay nhu cầu nhập khẩu than của Ấn Độ là rất lớn, tăng từ 15 – 20% mỗi năm. Ấn Độ cũng đang thực hiện mở rộng công suất điện hạt nhân lên 20 GW vào năm 2020 từ khoảng 5 GW hiện nay.

Về vấn đề hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, Tổng thống Putin cho biết “hai bên đang có sự chuyển đổi dần dần từ hình thức nhà sản xuất – nhà tiêu dùng sang hình thức cùng phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí hiện đại”. Dự kiến, mối quan hệ giữa hai bên sẽ được thắt chặt bởi hợp đồng trị giá 3,77 tỷ USD cho 42 máy bay chiến đấu Su-30MKI và dự án máy bay chiến đấu Sukhoi thế hệ thứ 5, hợp tác giữa Nga và Ấn Độ, theo ông Igor Korotchenko, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Vũ khí Thế giới của Nga. Khi sự hợp tác với các nước trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về quân sự như Pháp và  Italy đã bị “tạm dừng”, trong khi mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Nga và Ukraine “đã trở thành quá khứ”, Ấn Độ có thể trở thành một đối tác quan trọng cho việc phát triển nền công nghiệp quốc phòng của Nga.

Quan hệ hai nước thay đổi về bản chất

Quan hệ khách hàng – nhà cung cấp giữa Ấn Độ và Nga trong việc mua bán vũ khí từ thế kỉ XX đã thay đổi trong bối cảnh mới. Ấn Độ không còn là quốc gia đang phát triển và cần sự hỗ trợ của “một cực” Liên Xô – Nga. Hiện nay, Ấn Độ đang nổi lên là một cường quốc ở châu Á với phạm vi ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt sau khi Tổng thống Modi đã có nhiều nỗ lực để thay đổi chính sách đối ngoại của nước này từ “phi liên kết thành đa liên kết”.

Chuyến thăm lần này của ông Putin đã thể hiện sự thay đổi quan điểm của Nga với Ấn Độ, đưa quan hệ giữa hai nước sang một mối quan hệ hợp tác bình đẳng hơn, giàu truyền thống, thân thiện và rộng mở.

Trong bối cảnh Ấn Độ và Nga không có bất đồng lớn, và nhiều tương đồng về lợi ích chiến lược thì tiềm năng hợp tác giữa hai nước là vô cùng lớn. Sự xích lại giữa hai nước cũng tạo ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành trung tâm quyền lực mới, liên minh năng lượng tại châu Á, góp phần cân bằng quyền lực và lợi ích giữa các nước trong xu thế hình thành một thế giới đa cực.

Nguồn Tổ quốc