Mỹ La tinh phụ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc

Chuyến thăm 4 nước của Thủ tướng Lý Khắc Cường càng củng cố xu hướng phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu nguyên liệu thô của Nam Mỹ.

Vào lúc cuộc khủng hoảng kinh  tế tài chính toàn cầu tác động sâu rộng đến kinh tế của các quốc gia ở Tây bán cầu, Trung Quốc được Mỹ Latinh kỳ vọng như một vị “thần đèn”.

Mỹ Latinh – thị  trường cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc

Chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường là một phần trong nỗ lực liên tục của Bắc Kinh thúc đẩy mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc với vùng sân sau của Mỹ. Về chính trị, chuyến công du lần này nhằm đối trọng lại những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama tạo ra hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về kinh tế, chuyến thăm nhằm giúp các công ty và ngành công nghiệp Trung Quốc tìm kiếm thị trường xuất khẩu và nhập khẩu các nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp.

Trong quan hệ giữa Mỹ Latinh với Trung Quốc hiện hữu 3 vấn đề. Thứ nhất,  nhiều quốc gia Mỹ Latinh kỳ vọng thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Thứ hai, các nước Mỹ Latinh bị cám dỗ trước nhu cầu dường như vô tận của thị trường khổng lồ Trung Quốc. Cuối cùng, Mỹ Latinh đã quá tập trung vào xuất khẩu nguyên liệu thô và thực phẩm sang Trung Quốc, trong khi cần đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Các nước Mỹ Latinh có 5 loại sản phẩm, đều là nguyên liệu, xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2013,  chiếm tới 75% giá trị xuất khẩu. Đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này thậm chí còn đẩy mạnh hơn xu hướng này: Trong giai đoạn 2010-2013, gần 90% nguồn vốn này được đổ vào các dự án khai thác, đặc biệt là khoáng sản và dầu khí.

Trong vòng 15 năm qua, từ năm 2000-2014, giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh tăng 22 lần và Trung Quốc đã trở thành đối tác mậu dịch thứ hai của Mỹ Latinh.


Thủ tướng Lý Khắc Cường và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đạt thỏa thuận Trung Quốc đầu tư 50 tỷ USD vào Brazil

Trung Quốc phát huy ngoại giao tín dụng và cơ sở hạ tầng

Trung Quốc đang tìm cách chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn và gần đây đã thúc đẩy nỗ lực của mình xuất khẩu các sản phẩm đầu máy xe lửa. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các thiết bị đường sắt của Trung Quốc đã đạt 4,36 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước đó. Trung Quốc đang tìm kiếm các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài quy mô lớn để giữ cho các ngành công nghiệp xây dựng trong nước tiếp tục hoạt động.

Mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực điện và giao thông vận tải cũng sẽ giúp Trung Quốc mở rộng thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Theo tổng kết vào cuối năm 2014 của trung tâm Nghiên cứu Inter-American Dialogue ở Washington và Đại học Boston, từ năm 2005 Trung Quốc đã cho các nước và doanh nghiệp Mỹ Latinh vay trên 119 tỷ USD. Riêng trong năm 2014 là 22,1 tỷ USD, đứng đầu là Venezuela (56,3 tỷ), tiếp theo là Brazil (22 tỷ), Achentina (19 tỷ).

Trong chuyến thăm Mỹ Latinh tháng 7/2014, ông Tập Cận Bình đã cam kết cho các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe vay ưu đãi 10 tỉ USD, cung cấp khoản vay ưu đãi cho xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 20 tỉ USD và góp 5 tỉ USD vào Quỹ hợp tác Trung Quốc-Mỹ Latinh. Tính tới năm 2013, tổng đầu tư của Trung Quốc vào các nước Mỹ Latinh đạt trên 80 tỉ USD. Năm 2013 hai bên đã thành lập “Diễn đàn chung Trung Quốc-Mỹ Latinh”.

Trong chuyến thăm lần này, tại Brazil, Bắc Kinh đã thỏa thuận một kế hoạch đầu tư 53 tỷ USD. Phái đoàn Trung Quốc đã ký kết với Brazil 35 hợp đồng kinh tế, trong khuôn khổ một “Kế hoạch hành động chung” đến năm 2021.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 thế giới của Colombia. Năm 2014, kim ngạch thương mại song phương đạt 15,64 tỷ USD. Trong chuyến thăm lần này, ông Lý Khắc Cường và Tổng thống Juan Manuel Santos đã chứng kiến lễ ký kết của 12 thỏa thuận, bao gồm các lĩnh vực như hợp tác sản xuất, tài chính, thương mại, đầu tư.

Tại Peru,  Ngày 22/5, hai bên đã ký kết 10 thỏa thuận hợp tác, liên quan đến các lĩnh vực như khai thác và sử dụng không gian vũ trụ, đầu tư công nghiệp, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, xây dựng phòng thí nghiệm, khai thác năng lượng…

Ngoài ra, Trung Quốc còn ký kết với Peru một dự án đầy tham vọng xây dựng “Hành lang đường sắt” nối hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương dài 3.500km đi qua lãnh thổ Peru và Brazil với số vốn đầu tư 10 tỷ USD. Tuyến đường sắt này sau khi được xây dựng sẽ giúp vận chuyển quặng sắt và đậu nành sang Trung Quốc với chi phí rẻ nhất.

Tuyến đường sắt xuyên lục địa còn giúp xóa đi sự chia rẽ Đông – Tây của châu lục và cho phép Brazil gây ảnh hưởng lớn dọc theo bờ Thái Bình Dương. Ngoài ra, tuyến đường sắt này sẽ giúp Brazil có một tuyến vận tải mới, độc lập và nhanh hơn, giúp tăng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của nước này sang Trung Quốc, cho phép vận chuyển hàng hóa thương mại vượt qua kênh đào Panama và đi theo tuyến đường ngắn hơn so với tuyến qua Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, qua Mũi Hảo vọng và Eo biển Malacca.

Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Chile khi chiếm khoảng 24% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này, chủ yếu là đồng, rượu vang, cá hồi …. Hai bên đã đạt được thỏa thuận thành lập Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tại Chile. Những thỏa thuận và hợp đồng làm ăn này hứa hẹn sẽ còn làm gia tăng mạnh hơn nữa kim ngạch thương mại Trung Quốc – Chile vốn đã lên trên 34 tỷ USD vào năm 2014.

Mỹ Latinh chỉ có thể tiến tới phồn thịnh và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo khi vượt qua được sự phụ thuộc quá mức vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô. Điều quan trọng nhất khi mở rộng thương mại và đầu tư với Trung Quốc đó là Tây Bán Cầu cần thay đổi cấu trúc hợp tác hiện nay. Tuy nhiên, chuyến thăm dường như càng củng cố những chính sách mà Bắc Kinh đang theo đuổi lâu nay./.

Nguồn Tổ quốc