Mỹ bơm tiền, giá hàng hóa lẫn giá vàng tăng vọt

Hôm qua 14-9, giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng vọt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố gói kích thích kinh tế mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ.

Giá vàng liên tục được điều chỉnh trong ngày (ảnh chụp tối 14-9) - Ảnh: Thanh Đạm

Theo Hãng tin Reuters, trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô giao tháng 10 tăng 95 cent lên mức 99,26 USD/thùng. Giá dầu Brent biển Bắc tăng 77 cent lên 116,62 USD/thùng trên sàn giao dịch London (Anh).

Giá các loại kim loại quý cũng tăng vọt. Giá vàng tăng 0,5% lên 1.774,96 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 29-2. Reuters dẫn lời nhà phân tích Li Ning thuộc Hãng Thượng Hải CIFCO Futures nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng thêm 2-3% trong vài ngày tới.

“Gói kích thích của FED sẽ đẩy tỉ lệ lạm phát tăng cao và khiến các nhà đầu tư đổ tiền vào các loại hàng hóa an toàn như vàng và bạc - chuyên gia Li Ning cho biết - Trong thời gian tới, giá vàng có thể tăng lên mức 1.800 USD/ounce, thậm chí lên tới 1.900 USD/ounce”. Trong khi đó, giá bạc cũng tăng lên 34,92 USD/ounce, mức cao nhất trong sáu tháng qua.

40 tỉ USD/tháng

Giới quan sát dự báo giá bạc sẽ sớm chạm ngưỡng 35,4 USD/ounce. Tương tự, giá đồng tăng 3% lên 8.355 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 5. Hãng tin Bloomberg cho biết chỉ số Standard & Poor’s GSCI Spot Index của 24 loại nguyên liệu thô cũng tăng khoảng 2,3% trong cả tuần này, lên mức 692,62 điểm, cao nhất kể từ ngày 4-4.

Giá đồng euro tăng lên mức 1 euro đổi được 1,3023 USD, cao nhất kể từ tháng 5. Giá đồng USD cũng giảm mạnh so với đồng yen Nhật.

Trước đó, FED tuyên bố sẽ mua 40 tỉ USD/tháng trái phiếu và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp từ các ngân hàng thương mại trong khoảng thời gian không xác định. Hành động này đồng nghĩa với việc FED đổ tiền vào nền kinh tế, thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều hơn. FED cũng cam kết giữ mức lãi suất cơ bản ở ngưỡng gần 0% từ nay đến giữa năm 2015 để khuyến khích giới đầu tư chi tiêu, qua đó tạo thêm công ăn việc làm.

Biện pháp kích thích kinh tế này được gọi là nới lỏng định lượng (quantitative easing - QE). Mục tiêu của FED là kích thích nền kinh tế, tạo công ăn việc làm. Hiện tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vào khoảng 8,1%, giảm so với mức 8,3% của vài tháng trước.

Trút tiền vào thị trường

Hãng tin AP dẫn lời nhà phân tích kinh tế Stephen Schork thuộc Hãng Schork Group đánh giá hành động của FED tương đương với việc “trút hàng đống USD vào thị trường”. Do đó, giá đồng USD sẽ giảm đi. Do dầu, vàng và hầu hết các loại hàng hóa khác đều giao dịch bằng đồng USD, việc đồng USD suy yếu sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao. Nhiều nhà phân tích Mỹ cảnh báo nguy cơ gói kích thích của FED sẽ khiến tỉ lệ lạm phát tại Mỹ tăng vọt.

Đây không phải là lần đầu tiên FED thực hiện QE. Cuối tháng 11-2008, khi khủng hoảng tài chính Mỹ bùng phát, FED bắt đầu mua chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp và trái phiếu để thúc đẩy nền kinh tế. Đó là đợt QE1. Theo báo Washington Post, tính đến tháng 6-2010 FED đã mua khoảng 2.100 tỉ USD tài sản. Khi đó, FED dừng QE1.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng èo uột trong mùa hè 2010. Và FED thực hiện đợt QE2, mua 600 tỉ USD chứng khoán tính đến quý 2-2011. Và đây là đợt QE3. Giới chuyên gia Mỹ nhận định QE1 đã cứu nền kinh tế Mỹ ra khỏi một cuộc suy thoái khổng lồ nhưng tác dụng của nó giảm dần trong các năm sau. Còn hiệu quả của QE2 là đề tài gây tranh cãi dữ dội của các nhà kinh tế Mỹ.

Có một điều chắc chắn là giá cả các loại hàng hóa như vàng, dầu, nguyên liệu thô luôn tăng vọt trên thị trường thế giới khi FED thực hiện QE. Ước tính chỉ số Standard & Poor’s GSCI Spot Index của 24 loại nguyên liệu thô tăng khoảng 92% từ tháng 12-2008 đến tháng 6-2011 khi FED thực hiện QE1 và QE2.