Muôn vẻ tiễn ông bà mùng 3 Tết

Trong nghi lễ tiễn đưa tổ tiên, nhà nào cũng cúng gà kèm theo ít muối, gạo, tiền, vàng mã để ông bà làm lộ phí. Ở Sài Gòn, mâm cơm ngày mùng 3 Tết luôn kèm theo tục hóa vàng, phóng sinh, lễ chùa…

Từ nhiều năm nay, bà Xuân, ngụ quận 1, TP HCM, cứ ngày mùng 3 Tết luôn thức dậy từ 5h sáng, lục đục đi chợ mua gà làm mâm cơm cúng ông bà. Bà cho biết, con gà cúng ngày mùng 3 phải chọn thật no tròn, chắc nịch, có cặp chân đẹp, bày biện thật long trọng. Mâm cơm phải có canh rau, đồ xào, các loại nước chấm, trà rượu để ông bà mát ruột, hài lòng. Chân gà giữ lại để treo đằng cửa cùng với hình ông cọp, bộ tiền vàng mã cũng phải chuẩn bị thật chu đáo. Bởi lẽ, theo người phụ nữ này, nếu đón rước ông bà ngày 30 Tết thật rình rang mà tiễn đưa nhạt nhẽo thì bề trên sẽ quở phạt, giận hờn.

Vốn xuất thân từ miền Tây, vợ chồng bà Xuân bày mâm cỗ ở ngay cửa nhà, đối diện với bàn thờ gia tiên để thắp hương và chuẩn bị nghi lễ. Khi nén hương tàn, người đàn ông trong gia đình sẽ tung gạo và muối ra bốn phương tám hướng rồi hóa vàng các loại tiền, vàng, hàng mã để ông bà làm lộ phí. Ngoài ra khâu quan trọng trong nghi lễ ngày mùng 3 Tết còn có nghi thức điểm nhãn cho ông Dần để chúa sơn lâm giúp gia chủ cai quản nhà cửa.

a
Mâm cơm tiễn ông bà nhà ông Thanh, Gò Vấp được bày cúng trên bàn thờ gia tiên ở tầng cao nhất của căn nhà. Ảnh: Hà Thanh.

Trong khi đó, nhà ông Thanh, quận Gò Vấp, TP HCM, vốn có gốc Nam Định, từ Bắc vào Sài Gòn 25 năm nay, lại bày mâm cơm tiễn tổ tiên mùng 3 Tết ở bàn thờ gia tiên trên tầng cao nhất của căn nhà. Cũng đủ món canh rau, đồ xào, nước chấm, hương, đèn, trà rượu nhưng tục hóa vàng của người miền Bắc tại Sài Gòn không cầu kỳ như người có gốc miền Nam. Nhà ông Thanh bỏ qua nghi thức treo chân gà, điểm nhãn cho ông Ba Mươi cũng không phát gạo muối ra tứ phía.

 

a
Do kiêng cữ, mâm cơm của gia đình có người cầm tinh con cọp thiếu con gà để tránh sát sinh trong 3 ngày Tết. Ảnh: Hà Thanh.

Còn ở quận 5, gần khu Chợ Lớn, có nhiều người Hoa sinh sống, ngoài mâm cỗ tiễn ông bà có gà, cơm canh, trà rượu, nhiều gia đình dắt nhau đi viếng chùa của người Hoa để hóa vàng cho tổ tiên.

Ghi nhận của VnExpress.net, tại Hội quán Tuệ Thành, quận 5, TP HCM, rất đông người Hoa đến hóa vàng và cầu bình an cho gia đạo, cầu siêu cho ông bà vào sáng mùng 3 Tết. Nhang vòng được thắp lên và treo kín cả khoảng sân bên trong điện thờ kèm theo những tờ giấy đỏ có viết những dòng cầu nguyện, cây hoa vàng hoa bạc cầu may mắn, nén hương to có giá 30-40 nghìn đồng một chiếc được dịp đắt hàng vì người Hoa tin đây là lộc lớn, cứ giữ trên tay mang về tận nhà thì năm đó làm ăn phát đạt. Riêng tục phóng sinh cho chim sẻ được nhiều người người tin tưởng sẽ giúp tai qua nạn khỏi, mọi sự vuông tròn.

a
Hóa vàng ngày mùng 3 để ông bà làm lộ phí đi đường. Ảnh: Hà Thanh.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm còn có thêm tục đánh chuông đầu năm được hầu hết các khách đến viếng chùa thực hiện. Quanh quả chuông đồng to đến 3 người ôm không xuể, nhiều mảnh giấy trắng ghi lời nguyện cầu được dán chi chít lên thành chuông. Mọi tâm tư, nguyện vọng, từ cầu an, cầu siêu, cầu duyên, cầu công danh sự nghiệp, cho đến cầu tự (cầu sinh con đẻ cái)… đều có đủ.

Sáng mùng 3 Tết, chị Tiên dẫn người nhà đến tháp chuông chùa Vĩnh Nghiêm chia sẻ với VnExpress.net: “Ngày Tết đi chùa, đánh chuông để cầu lành, lánh dữ. Tiếng chuông chùa đầu năm thức tỉnh người ta hướng đến cái chân thiện mỹ, những ai lạc bước nghe xong sẽ được dẫn dắt trở về chính đạo”.

Tết cổ truyền của người VN được khai hội từ ngày 23 tháng Chạp kéo dài đến ngày tiễn ông bà là xem như mãn tiệc. Với những người bận rộn, chỉ cần du xuân và thực hiện những tập tục của ngày Tết đến hết mùng 3 là mãn nguyện, đủ đầy. Trong khi đó, giới phật tử, người về hưu, những ai không phải lo cơm áo gạo tiền thường tiễn xuân, chào Tết đến tận rằm tháng Giêng, đi cho đủ 10 ngôi tự (đi 10 kiểng chùa) để cầu an.

Nguồn VnExpress