Miền trung, sau lũ

      Ðợt lũ lụt kéo dài gần một tuần qua đã gây thiệt hại nặng tại nhiều địa phương các tỉnh miền trung. Ngay sau lũ, vượt lên khó khăn các địa phương đang khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Mưa to, lũ lớn gây thiệt hại nặng nề

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông, kết hợp gió mùa đông bắc, trong các ngày đầu tháng 11 vừa qua, vùng biển ở các tỉnh miền trung đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, mưa to đến rất to trên diện rộng, gây ra một đợt lũ cao trên các triền sông, ngập lụt nhiều khu dân cư. Khu vực chịu tác động mạnh nhất là các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh. Mưa to, lũ lớn đã làm ngập nhiều đường phố thuộc nội thành các tỉnh, thành phố, ngập nhiều đoạn đường trên quốc lộ 1 và các đường tỉnh lộ, sạt lở đường Hồ Chí Minh với khối lượng hàng nghìn m3 đất đá, hư hỏng nhiều tuyến kênh mương; 33 nhà bị sập, ngập 117.081 nhà, gần 3.000 ha lúa, hoa màu bị ngập và hư hại. Sóng to, gió lớn đã làm chìm và hư hỏng một số tàu đánh cá. Tính đến 16 giờ 30 phút ngày 9-11, mưa, lũ và áp thấp nhiệt đới làm 20 người chết và bốn người mất tích.

Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đợt lũ xảy ra từ ngày 4 đến 8-11, trên địa bàn tỉnh có hai người chết, một người bị thương nặng; một ngôi nhà bị sập, 12 nhà có nguy cơ sập do sạt lở bờ sông, bờ biển. Toàn tỉnh có 708,5 ha hoa màu, sắn, khoai bị ngập và đổ ngã; 500 tấn lúa giống, 700 tấn lúa thịt bị ướt. Nhiều công trình giao thông, đê bao, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính 721,604 tỷ đồng; trong đó thủy lợi 589,872 tỷ đồng, còn lại giao thông, công nghiệp, nông lâm thủy sản, nhà ở… Tại Quảng Nam, mưa lũ làm ngập khoảng 73 nghìn nhà dân tập trung nhiều nhất tại huyện Ðại Lộc, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An, Nông Sơn và Quế Sơn; trong đó có khoảng 55.700 hộ bị ngập sâu từ 0,5 m trở lên. Và có khoảng 41 nhà dân bị sập đổ, hư hỏng; hàng chục nhà dân bị xiêu vẹo. Tại huyện Tây Giang, mưa lũ đã làm cho khu nhà ở nội trú dành cho 84 học sinh đồng bào dân tộc của Trường dân tộc nội trú tại khu tái định cư A Lua (xã Dang) bị sập đổ. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện bị thiệt hại nặng nề. Nhất là các tuyến đường giao thông lên các huyện miền núi, các xã vùng cao bị sạt lở nặng, ách tắc giao thông đã làm cho các xã ở miền núi cao của huyện Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn bị cô lập hoàn toàn. Và điều đau xót nhất là, trong đợt lũ lụt này toàn tỉnh đã có 19 người thiệt mạng. Thiệt hại ước khoảng 252 tỷ đồng…

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Chúng tôi về xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đây là một trong những địa phương thuộc vùng trũng nhất tỉnh và huyện. Là xã vùng hạ lưu, nằm ven sông Hương nên nước lũ bị ngập sâu từ 1,2 đến hơn 1,5 m. Chủ tịch UBND xã Phú Mậu Trần Hiếu Cơ cho biết: Sau khi lũ đi qua, xã đã huy động lực lượng tôn cao bờ bao, huy động máy bơm khẩn trương đưa nước ra khỏi đồng ruộng. Phần lớn diện tích hoa màu đều thiệt hại nặng, khó khôi phục. Các hợp tác xã trên địa bàn đã hướng dẫn người dân tưới rửa bùn đất, triển khai các biện pháp chăm sóc, kích thích hoa màu phát triển. Ðối với những cánh đồng bị hư hại 70% trở lên đã tiến hành cày xới đất để gieo trồng lại. UBND xã đã đăng ký mua giống hoa chất lượng cao ở Ðà Lạt và Hà Nội về cung cấp cho người dân khôi phục sản xuất lại vụ đông và trồng các vườn hoa Tết. 

Tại huyện Quảng Ðiền, một huyện vùng trũng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đợt mưa lũ vừa qua gây ngập lụt và thiệt hại nặng. UBND huyện đã ưu tiên tập trung khắc phục những công trình đê bao, thủy lợi nhằm kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Huyện đã sử dụng 600 tấn xi-măng dự trữ để khắc phục hệ thống kênh mương, giao thông bị hư hại; lập dự án khắc phục một số công trình thủy lợi như đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ; đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông và tái định cư cho dân vùng sạt lở…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Kim Thành cho biết, để giúp người dân ổn định sản xuất sau lũ, tỉnh đã xuất 1.000 tấn gạo, 500 tấn lúa giống, 10 tấn ngô lai hỗ trợ các địa phương cung cấp cho nhân dân; đồng thời, trích ngân sách gần 15 tỷ đồng khắc phục các công trình hồ đập, đê bao xung yếu để phục vụ sản xuất vụ đông xuân sắp đến, hỗ trợ xây dựng các khu tái định cư và cơ sở hạ tầng cho nhân dân vùng bị sạt lở, dân sống ven sông, ven biển và vùng đầm phá. Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương trước mắt hỗ trợ 1.000 tấn gạo để cứu trợ nhân dân trong vùng bị ngập lụt; hỗ trợ 500 tấn lúa giống để gieo cấy vụ đông xuân; 10 tấn giống ngô lai, năm tấn rau và hỗ trợ 150 tỷ đồng giúp tỉnh khắc phục bước đầu về hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, xử lý củng cố các công trình, hồ, đập, đê bao xung yếu phục vụ sản xuất; xây dựng các khu tái định cư và cơ sở hạ tầng để tiếp tục di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị xâm thực, sạt lở vào nơi an toàn.    

Về huyện Ðại Lộc, Quảng Nam những ngày này, đi đâu cũng thấy người dân dồn sức cho khắc phục hậu quả lũ lụt. Tại xã Ðại Hưng, Ðại Cường, chúng tôi bắt gặp các chiến sĩ Tiểu đoàn 3 Trường Quân sự Quân khu 5 đang giúp dân xúc cát, đắp đường để đi lại và ổn định sản xuất. Chủ tịch UBND xã Ðại Hưng Phạm Ngọc Thịnh cho biết, trận lũ lụt vừa qua, các tuyến giao thông liên xã, liên thôn trên địa bàn xã bị cát tràn vào vùi lấp sâu khoảng 1 m, có đến 15 nền nhà dân cát bồi đắp cao đến 0,6 m, và 10 ha đất sản xuất bị vùi lấp. Mấy hôm nay, nhờ hơn 100 cán bộ, học viên lực lượng bộ đội về hỗ trợ  nên đã giải phóng được 350 m đường giao thông nông thôn, xúc và vận chuyển gần 1.000 m3 cát, và đắp được 300 m đường bị sạt lở…

Ngược lên các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, các tuyến đường đã  thông dần về các xã. Tại huyện Nam Trà My, nơi có nhiều tuyến đường sạt lở, gây cô lập 10 xã trong hơn một tuần qua đã được khắc phục bước đầu. Phó Chủ tịch UBND  huyện Lê Ngọc Kích cho biết, trong những ngày qua, huyện đã huy động hơn mười xe múc, xe ủi tập trung giải phóng các điểm bị sạt lở trên các tuyến huyết mạch. Tuy nhiên, do lượng đất đá sạt lở quá lớn, nên mới chỉ giải tỏa tạm thời được một phần để thông xe mô-tô, còn ô-tô chưa thể đi được. Ðến sáng ngày 14-11, các phương tiện xe máy, xe công vụ đã có thể lưu thông đến các xã vùng cao. Nhờ vậy, các loại hàng hóa thiết yếu đã được vận chuyển lên các xã, giải tỏa cho người dân về nỗi lo thiếu nhu yếu phẩm. Tại Tây Giang, đồng chí Bhing Mia, Chủ tịch huyện cho biết, hiện các tuyến đường đi lên các xã vùng cao bị sạt lở, lầy lội, nên xe lớn chưa thể đi được; phương tiện chủ yếu lên các xã này vẫn là xe ôm và đi bộ. Hiện nay, tại kho huyện còn 60 tấn lương thực dự trữ cho bốn xã vùng cao nhưng chưa đưa lên được. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các huyện miền núi, nhờ các địa phương đã có kế hoạch đưa lương thực về trước mùa lũ, nên người dân vẫn đủ gạo để ăn. Cái khó nhất hiện nay, là do đường sá bị ách tắc, nên việc cấp cứu người dân khi ốm đau rất khó khăn.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ðinh Văn Thu cho chúng tôi biết, tỉnh sẽ cố gắng ứng kinh phí để các địa phương giải tỏa ách tắc giao thông, tiếp tục đưa lương thực, thực phẩm lên vùng cao để bảo đảm cuộc sống cho đồng bào. Các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương cần tập trung nguồn lực khắc phục thiệt hại lũ lụt, đồng thời chuẩn bị giống, vật tư cho vụ sản xuất đông xuân.

Tuy nhiên, để địa phương sớm ổn định cuộc sống, người dân các tỉnh miền trung, nhất là hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam rất cần sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương… Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương xem xét hỗ trợ trước mắt cho địa phương ba nghìn tấn gạo để hỗ trợ cho người dân ở vùng bị thiên tai, bão lụt; 500 tấn giống lúa, 50 tấn giống ngô, 20 tấn giống rau màu nhằm giúp cho tỉnh có điều kiện khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra và chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất vụ đông xuân sắp tới. Ðồng thời, tỉnh đề nghị Trung  ương hỗ trợ cho địa phương 100 tỷ đồng để khắc phục về dân sinh, hệ thống kết cấu hạ tầng và xin được cấp: 100 nghìn liều vắc-xin tiêm phòng dịch lợn tai xanh, 10 tấn hóa chất để khử trùng đề phòng dịch lợn tai xanh bùng phát sau lũ.