Lúa IR 50404 ế
Những ngày này các tỉnh ĐBSCL thu hoạch rộ lúa đông xuân. Mặc dù vụ này trúng mùa lớn nhưng nông dân không vui vì giá lúa ở mức thấp. Riêng lúa IR 50404 (chất lượng trung bình) gần như không bán được.
Trồng giống IR 50404 khó bán, nông dân ở Kinh Đào, thị xã Châu Đốc (An Giang) mỏi mòn chờ người mua - Ảnh Đ.Vịnh |
Hiện giá lúa IR 50404 chỉ còn 4.000-4.200 đồng/kg (lúa tươi), trong khi các giống lúa hạt dài và lúa thơm từ 5.000-7.200 đồng/kg. So với cách đây chừng một tháng thì giá lúa đã giảm tới 1.000 đồng/kg.
Lúa chất đầy lộ
“Doanh nghiệp và người dân phải liên kết lại với nhau như các mô hình cánh đồng mẫu lớn triển khai ở nhiều địa phương. Doanh nghiệp xác định được đầu ra rồi đặt hàng nông dân sản xuất cùng một giống trên diện tích lớn sẽ đảm bảo được chất lượng và đầu ra cho hạt gạo” Ông PHẠM VĂN DƯ |
Trên những cánh đồng bạt ngàn vùng biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An), Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang), những ngày đầu tháng 3-2012 lúa thu hoạch xong chất đầy đường nhưng vắng người mua.
Ông Lê Văn Tháng ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An) cho biết 6 ha lúa của gia đình đã chín nhưng chưa dám thu hoạch vì kêu thương lái cả tuần mà không ai tới hoặc tới cũng chỉ nói miệng chứ không đặt tiền cọc. Tương tự, chị Trần Thị Điệp, thương lái ở huyện Tân Hưng (Long An), phân trần mấy ngày qua giá lúa liên tục giảm vì doanh nghiệp xuất khẩu tiêu thụ ít. Hiện thương lái chỉ tìm mua lúa hạt dài và lúa thơm, còn lúa IR 50404 thì đều hẹn khi khác. “Tôi còn tồn kho cả trăm tấn lúa IR 50404 chưa bán được nên không dám mua nữa. Có mấy đám ruộng đặt cọc rồi nhưng giờ phải bỏ tiền cọc luôn chứ mua về cũng không bán được” - chị Điệp nói. Còn một thương lái ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho rằng những hộ nào trồng lúa IR 50404 chỉ có 20-30% cơ hội bán được lúa, còn lại phải phơi khô chở về nhà chờ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mặc dù đã nhiều lần khuyến cáo chỉ trồng tối đa 20% diện tích giống IR 50404, nhưng diện tích giống lúa này năm nay vẫn tăng đột biến. Vụ đông xuân này toàn vùng ĐBSCL có 1,6 triệu ha lúa thì nhiều nơi có trên 50% diện tích sản xuất lúa IR 50404, có tỉnh sản xuất tới 70% diện tích.
Ông Dương Nghĩa Quốc - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết ngành nông nghiệp đã liên tục khuyến cáo nông dân hạn chế trồng giống IR 50404 dưới 20% diện tích, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi giống, chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm. Tuy nhiên vụ đông xuân năm nay diện tích trồng lúa này cao kỷ lục với tỉ lệ tới 50-60%. Còn theo ông Đoàn Ngọc Phả, phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, vụ này diện tích sử dụng giống lúa IR 50404 toàn tỉnh chiếm 27%, một số huyện vùng xa có tỉ trọng lên tới hơn 50%.
Theo các chuyên gia, do những vụ mùa trước loại lúa này bán giá cao nhờ thị trường xuất khẩu gạo cấp thấp thuận lợi, bên cạnh đó giống lúa IR 50404 luôn đạt năng suất cao nên nhiều nông dân vẫn chuộng loại giống này. Chẳng hạn vụ hè thu và vụ ba vừa rồi giá lúa IR 50404 ở mức trên 7.000 đồng/kg trong thời gian dài.
Theo TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, lúa gạo IR 50404 rơi vào hoàn cảnh khá bi đát như hiện nay xuất phát từ các tuyên bố của các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội Lương thực VN (VFA) hồi năm ngoái. Khi đó, một số doanh nghiệp cho biết lúa IR50404 bây giờ chất lượng đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây nên có thể chế biến làm gạo cấp trung bình, cấp cao. VFA nói rằng lúa này chỉ khó tiêu thụ trong vụ hè thu, còn vụ đông xuân vẫn tiêu thụ tốt. Vụ trước lúa IR50404 bán có giá, nhiều lúc gần bằng lúa chất lượng cao nên vụ này bà con đổ xô vào trồng.
Do mất cân đối cơ cấu giống lúa nên hiện có một nghịch lý là trong khi lúa gạo cấp thấp ế chất đầy đồng không thể tiêu thụ thì gạo thơm và cao cấp đang có đầu ra nhưng doanh nghiệp không đủ hàng để mua.
Thiếu gạo thơm…
Tìm đầu ra cho gạo Theo VFA, trong thời gian tới hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ tăng cường tìm cách tiếp cận, đàm phán với các thị trường tập trung nhằm kiếm hợp đồng lớn nhất, giá cao. VFA khuyến khích các doanh nghiệp khảo sát thêm các thị trường mới, thích ứng cạnh tranh ở các thị trường cũ để tìm kiếm hợp đồng. Đối với thị trường gạo thơm, VFA sẽ cử đoàn đi khảo sát ở Trung Quốc và Hong Kong, thành lập trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp VN, tham gia các hội chợ triển lãm lúa gạo lớn của thế giới tại Mỹ, Dubai (UAE) trong tháng 3, tháng 5. |
Ông Phạm Văn Bảy - phó chủ tịch VFA - cho biết hiện gạo thơm vẫn có sức tiêu thụ hấp dẫn, giá bán cao, nhưng nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng. Một số doanh nghiệp cũng cho rằng họ có nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo cấp cao qua Hong Kong, Đài Loan, Trung Đông… nhưng hiện rất khó mua được loại gạo thơm và gạo nguyên liệu để chế biến thành gạo chất lượng cao 5% tấm. “Chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt mua gạo thơm, cả tháng nay tìm nguồn hàng khắp nơi mà không thể nào tìm mua được nguyên liệu để chế biến cung ứng cho họ” - ông Bùi Trung Chính, phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Kiên An Phú (Kiên Giang), cho hay.
Với những thay đổi về cơ cấu thị trường gạo thế giới, VN không thể dùng gạo cấp thấp để cạnh tranh với Ấn Độ, Pakistan… được nữa. Theo các chuyên gia, VN cần định hướng lại ngành sản xuất lúa và xuất khẩu lúa gạo, bắt nguồn từ việc tập trung phát triển nguồn giống chất lượng cao và tái cơ cấu sản xuất để nâng cao thương hiệu và giá trị hạt gạo VN.
Ông Phạm Văn Dư, cục phó Cục Trồng trọt, cho rằng với những thị trường lúa gạo cấp thấp hiện tại, VN chỉ cần trồng 15-20% diện tích lúa cấp thấp là đủ, còn lại tập trung lúa chất lượng cao và lúa thơm. Hiện Cục Trồng trọt đang nghiên cứu và nhân rộng những giống lúa mới có các đặc điểm giống IR50404 nhưng chất lượng gạo cao hơn để thay thế loại lúa này.
Tương tự, TS Lê Văn Bảnh cũng cho biết Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu một số giống lúa thay thế được IR50404 nhưng vẫn cần có thời gian để phổ biến. Quan trọng là phải thay đổi cách quản lý cơ cấu giống của khu vực ĐBSCL. “Phải thực hiện nghiêm việc sử dụng giống có nguồn gốc, có xác nhận thì mới kiểm soát được diện tích các loại lúa”, TS Bảnh nói. Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói rằng lâu nay ngành nông nghiệp chỉ mới dừng ở mức độ khuyến cáo chứ không cấm nên nông dân vẫn trồng giống IR 50404.
Ông Phạm Văn Dư còn cho rằng bên cạnh việc thay thế giống lúa chất lượng thấp bằng lúa chất lượng cao, việc tái cấu trúc nền sản xuất lúa gạo mới chính là điểm cốt lõi giải quyết vấn đề chất lượng lúa gạo.
Doanh nghiệp bắt đầu tăng giá mua gạo Ngày 11-3, ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết mặc dù đến ngày 15-3 mới bắt đầu mua gạo tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ, nhưng trong những ngày cuối tuần qua các doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu tăng tốc mua. Riêng Công ty Việt Hưng mua 500-700 tấn gạo/ngày. Điều này góp phần làm giá gạo bắt đầu nhích lên so với hồi đầu tuần. Cụ thể, trong ngày 11-3 giá gạo lứt loại IR50404 chất lượng tốt trên thị trường chợ đầu mối Bà Đắc (Tiền Giang) từ 6.700-6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với tuần trước. Mặc dù vậy thương lái mua lúa vẫn chưa tăng giá cho nông dân. Tại cánh đồng đang thu hoạch ở huyện Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang) thương lái vẫn ra giá lúa IR50404 chỉ 4.000 đồng/kg (lúa tươi) và 4.800 đồng/kg (lúa khô). Do giá quá thấp nên phần lớn nông dân không bán mà tự phơi khô chở về nhà chờ qua thời điểm ngày 15-3. |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.