LHP tài liệu quốc tế lần 3 ở Hà Nội và TP HCM

        Những thước phim chân thực ghi lại hình ảnh cuộc sống và con người, dưới ống kính của các nhà làm phim VN và quốc tế, sẽ ra mắt khán giả HN và TP HCM vào trung tuần tháng 6.

      Sau thành công của Festival phim tài liệu quốc tế lần thứ I và thứ II trong hai năm qua, Hãng phim tài liệu khoa học và Trung ương VN cùng với 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu, bao gồm Italy, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Wallonie Bruxelles (Bỉ), quyết định tổ chức Festival phim tài liệu quốc tế lần thứ III, diễn ra từ ngày 6 đến 13/6 (tại TP HCM) và 8 đến 14/6 (tại Hà Nội).

Một cảnh trong phim 'Điệu múa cổ' của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng.

Một cảnh trong phim 'Điệu múa cổ' của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng.

Chủ đề của Festival năm nay là “Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh” (trích câu nói của nhà làm phim tài liệu người Chile, Patricio Guzman). Mỗi buổi tối trong tuần phim, một phim tài liệu của châu Âu và một phim tài liệu của Việt Nam ở cùng đề tài sẽ được giới thiệu đến khán giả.

Múa với Pietragalla: trên đầu mũi chân (Pháp) của đạo diễn Stephane Gillot và Hãy nói! (Việt Nam) của hai đạo diễn Đào Thanh Tùng, Phan Huyền Thư là hai bộ phim chiếu mở màn trong đêm khai mạc ngày 6/6 tại rạp Idecaf, TP HCM. Cả hai tác phẩm này đều có chung chủ đề về những vũ công đường phố và các cú sốc văn hóa trong giới trẻ.

Phim 'Cleveland chống lại phố Wall' của Thụy Sĩ từng tham dự LHP quốc tế Cannes (Pháp) vừa diễn ra hồi cuối tháng 5, ở hạng mục Phim tài liệu.

Phim 'Cleveland chống lại phố Wall' của Thụy Sĩ từng tham dự LHP quốc tế Cannes (Pháp) vừa diễn ra hồi cuối tháng 5, ở hạng mục Phim tài liệu.

Nghệ thuật bị đánh cắp (Italy) và Điệu múa cổ (Việt Nam) cùng nói về hội họa nhưng ở hai khía cạnh khác nhau. Cleveland chống lại phố Wall (Thụy Sĩ) và Khoảng cách (Việt Nam) khai thác về sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội. Thu vàng (Đức) và Chuyện của mọi nhà (Việt Nam) phản ánh cuộc sống của những người cao tuổi khi cuộc sống, sức khỏe của họ dần thay đổi theo thời gian.

Khán giả quan tâm tới chủ đề cuộc sống mưu sinh của những người xa xứ có thể đón xem hai bộ phim Những câu chuyện mưa (Bỉ) và Lời ru thì buồn (Việt Nam). Hiệu ứng Chopin (Ba Lan) và Kèn đồng (Việt Nam) sẽ gặp nhau ở những sắc màu âm nhạc huyền ảo. Hai bộ phim cuối cùng của Festival là Mumbai - Đứt kết nối (Đan Mạch) và Đất lạnh (Việt Nam) với chủ đề về quy hoạch hóa đô thị.

Cảnh trong phim 'Thu vàng' (Đức) và 'Chuyện của mọi nhà' (Việt Nam).

Cảnh trong phim 'Thu vàng' (Đức) và 'Chuyện của mọi nhà' (Việt Nam).

LHP tài liệu quốc tế lần thứ III mong muốn đem lại cơ hội cho các nước thành viên, các nghệ sĩ, khán giả yêu phim tài liệu châu Âu và VN được cùng nhau thưởng thức những tác phẩm theo phong cách sáng tạo riêng và đặc trưng văn hóa của mỗi nước. Bên cạnh đó, qua lần xuất hiện thứ 3 tại VN, sự kiện này cũng muốn tạo dựng chỗ đứng trong văn hóa Việt và trở thành “điểm hẹn điện ảnh tài liệu” trong tương lai gần.

Tại Hà Nội, các phim được chiếu tại Hãng phim tài liệu và Khoa học trung ương, 465 Hoàng Hoa Thám lúc 19 giờ hàng ngày từ 8 đến 14/6. Tại TP HCM, tất cả buổi chiếu được bắt đầu lúc 19h30 tại Idecaf, 31 Thái Văn Lung, quận 1. Các bộ phim trong Festival phim tài liệu quốc tế đều được chiếu phi lợi nhuận.