Lễ hội Đền Trần Thái Bình nhận Bằng Di sản quốc gia

Lễ khai hội Đền Trần (Hưng Hà, Thái Bình) đã diễn ra cùng với lễ nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tối 12/2 (tức ngày 13 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ và lăng mộ các vua Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà đã tổ chức khai mạc lễ hội đền Trần năm 2014.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã trao Bằng chứng nhận cho UBND huyện Hưng Hà. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đánh trống khai hội.

Thái Bình: Khai h?i d?n Tr?n
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã trao Bằng chứng nhận cho UBND huyện Hưng Hà (Ảnh: Thế Duyệt)

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo lễ hội khẳng định gần 800 năm qua, lăng mộ các vua Trần và hoàng thân quốc thích nhà Trần, lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung vẫn còn đó như một minh chứng lịch sử hào hùng của dân tộc để đời đời cháu con và nhân dân hương khói giữ gìn. Lễ hội Đền Trần là một di sản văn hóa được người dân Thái Bình tổ chức hàng trăm năm nay như một nghi thức tưởng nhớ, tri ân công đức các vua Trần. Việc lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã chứng minh ý nghĩa và giá trị của lễ hội trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thái Bình nói riêng.

Lễ khai mạc khép lại bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc với màn biểu diễn trống, múa lân của các nghệ nhân và màn sử thi “Hào khí Đông A” tái hiện toàn bộ quá trình lập nghiệp của Vương triều Trần trên mảnh đất Long Hưng xưa-Hưng Hà nay.

Trước đó, ngay từ sáng 12/2, huyện Hưng Hà đã tổ chức lễ tế mở cửa đền, lễ bái yết, tế mộ trong không khí linh thiêng, tôn kính. Đặc biệt, hoạt động luôn thu hút được sự quan tâm của người dân và mang tính truyền thống là lễ rước nước để nhắc lại thuở xưa tổ tiên nhà Trần đều sống bằng nghề chài lưới.

Ngoài ra, trong suốt lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động dân gian truyền thống như thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật lầu, thi kéo co, biểu diễn văn hóa, văn nghệ nhằm quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử tại khu di tích đền thờ các vua Trần tới đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước.

Nếu Tức Mặc (Nam Định) là nơi vị họ tổ nhà Trần định cư ban đầu thì vùng đất Hưng Hà (Thái Bình) được xác định là quê hương, nơi khởi nghiệp của Vương triều Trần cách đây gần 800 năm. Tại đây có Tam đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông…

Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ học cấp quốc gia, không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu sử học, các nhà văn hóa mà còn là một điểm du lịch có giá trị đặc biệt, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đầu Xuân./.

Nguồn Tổ Quốc