Làm đẹp cho đời chỉ với một cánh tay

Trong Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Bùi Đăng Thanh là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất cầm máy bằng một tay, nhưng đã giành được 16 giải thưởng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ông đã 76 lần có ảnh tham gia triển lãm ảnh quốc tế.
Nghệ sĩ  Bùi Đăng Thanh say sưa sáng tác trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: VGP
Gặp nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh trong một quán cà phê có vị trí rất đẹp, nhìn thẳng sang đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, lắng nghe ông say sưa nhận xét về tác phẩm vừa chụp của học trò, người viết càng lúc càng bất ngờ về người nghệ sĩ chỉ có một tay nhưng thật giàu nhiệt huyết với nghề.

Sinh năm 1950 tại Thanh Hóa trong một gia đình có nghề làm ảnh nổi tiếng – Hiệu ảnh Bùi Chánh, năm 14 tuổi, Bùi Đăng Thanh đã biết một số công việc về ảnh. Năm 1964-1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, ông đã khai tăng thêm 2 tuổi, tình nguyện lên đường nhập ngũ

Sau khi tham gia khóa huấn luyện ở Quân khu Việt Bắc 1 năm, Bùi Đăng Thanh vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu.

Chiến dịch mùa khô năm 1971, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương nặng, cánh tay phải bị cắt lìa. Đến giờ ông vẫn nhớ như in một đêm tháng 4/1971, người bạn tên là Bùi Xuân Lai, cùng quê Thanh Hoá, vừa truy kích địch đã ghé qua bệnh viện dã chiến nơi ông đang điều trị. Ông Lai ôm bạn khóc và nói lời tạm biệt: “Chúng nó hy sinh cả rồi Thanh ạ, tớ đi đây”.

Dù chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng ánh mắt của người bạn giữa đại ngàn Tây Nguyên, lời chào và lần gặp cuối cùng vội vàng qua khói bom vẫn luôn ám ảnh trong ông.

Ông trở lại đời thường khi mất tới 57% sức khoẻ (thương binh hạng 3/4). Còn gia đình ông, 5 anh em trai tham gia chiến đấu, sau chiến tranh, 1 người hy sinh, 4 người là thương binh.

Khi vết thương lành, điều đầu tiên ông nghĩ đến là tập làm mọi việc bằng cánh tay trái còn lại. Bùi Đăng Thanh xin đi học cấp 3, vừa học, vừa tập viết tay trái, cố gắng theo kịp các em học sinh phổ thông cùng học.

Rong ruổi tìm cái đẹp

Tháng 9/1974, Bùi Đăng Thanh nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1978, ông tốt nghiệp đại học, nhận công tác tại Bộ Lương thực thực phẩm. Nhưng với niềm say mê và năng khiếu về ảnh nghệ thuật, đồng thời muốn tiếp nối nghiệp ảnh của gia đình, Bùi Đăng Thanh đã dành toàn bộ thời gian cho nhiếp ảnh, cho ảnh nghệ thuật mà không làm… công chức!

Chụp ảnh, tráng ảnh, in ảnh… với người còn nguyên vẹn cả hai tay đã khó, với người chỉ còn một cánh tay càng khó hơn, nhưng Bùi Đăng Thanh đã thành công. Đến nay “nghệ sĩ một tay” đã giành được 16 giải thưởng trong nước và quốc tế, đồng thời, trong sự nghiệp của mình, đến nay, ông đã 76 lần có ảnh triển lãm quốc tế, vượt số điểm để trở thành hội viên H ội Nhiếp ảnh quốc tế (E.FIAP, E. VAPA).

Lối thể hiện trong tác phẩm của Bùi Đăng Thanh là khoảnh khắc. Không gian ảnh của ông rộng, khoáng đạt như chính tâm hồn và bản lĩnh của người bấm máy.

Để có thể đi được nhiều nơi, ông tìm cách chế lại tay ga của chiếc xe máy từ bên phải sang bên trái và với chiếc xe “tay lái nghịch” ấy, nghệ sĩ đã rong ruổi mọi miền đất nước để tìm, để chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Ảnh của Bùi Đăng Thanh, dù là ảnh sinh hoạt, ảnh phong cảnh hay ảnh chân dung, bao giờ cũng thể hiện khát vọng sống cùng lòng khát khao vươn tới những điều tốt đẹp.

Trong những ngày “tung hoành ngang dọc” để sáng tác, có lần Bùi Đăng Thanh còn “đánh cược” cả mạng sống của mình chỉ để chụp những tác phẩm để đời. Ví dụ, với tác phẩm “Bến lở”, tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc của dòng sông giữa trận lũ – giữa cuồn cuộn nước lũ bỗng thấp thoáng dáng hình cô thôn nữ áo hồng và chính hình ảnh này làm cho cái dữ tợn của thiên nhiên dịu lại.

Ông kể khi trèo lên một mố cầu đang xây dựng để chụp lại khung cảnh ấy từ trên cao, một nhóm công nhân cầu đường đã ngăn ông lại. Và nghệ sĩ đành phải… viết giấy cam đoan về hành động của mình để nhóm thợ yên lòng.

Truyền lửa đam mê cho lớp trẻ

Không chỉ dành thời gian cho sáng tác, Bùi Đăng Thanh còn say mê truyền lửa cho các bạn trẻ yêu nhiếp ảnh.

Không có giáo trình cơ bản, ông tự tìm hiểu và kết hợp những kiến thức đọc được qua các tài liệu nhiếp ảnh với kinh nghiệm thực tế, từ đó, soạn các giáo án phù hợp với trình độ của từng lớp học viên.

Vừa dạy nghề, vừa truyền nghề, hàng năm các lớp dạy ảnh của Bùi Đăng Thanh tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động trẻ từ Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hà Tây, Thanh Hóa… Ông đặc biệt quan tâm tới các học viên là con em thương binh, liệt sĩ và sinh viên nghèo khi giảm 20% học phí cho họ, có trường hợp ông miễn phí hoàn toàn.

Tác phẩm “Tung chài”. Tác giả: Bùi Đăng Thanh

 

 

Do cùng cảnh ngộ nên ông hiểu và cảm thông, chia sẻ với họ.

Ông luôn mong muốn những người kém may mắn có được cuộc sống tốt đẹp như bao người bình thường khác. Đó cũng là lý do ông thường đến những cơ sở giáo dục dành cho trường trẻ em câm điếc ở các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Hà Nội để sáng tác.

Ông coi đó là cơ hội để mình chia sẻ, động viên các em hòa đồng với cuộc sống…

Trong lĩnh vực sáng tác, Bùi Đăng Thanh có một niềm yêu thích đặc biệt với quần đảo Trường Sa.

Ông chia sẻ lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, cảm giác đầu tiên xuất hiện trong ông là niềm vinh dự, tự hào khi được đến với mảnh đất thiêng liêng, xa xôi nhất Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi những người lính đảo đối diện với những gian nguy, vất vả.

Chính vì thế, những tấm ảnh về Trường Sa qua ống kính Bùi Đăng Thanh rất gần gũi, thân thương.

Ở sâu trong tâm hồn, ông muốn ống kính của mình là chiếc cầu nhỏ nối Trường Sa với đất liền, đưa không khí Trường Sa về với những người chưa từng một lần được đến…

Sau những chuyến đi Trường Sa, nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh tự nhủ phải nỗ lực lao động nghệ thuật, phải cống hiến cho xã hội nhiều hơn nữa, phải sống cho cả những đồng đội đã ngã xuống và sống để ghi lại những khoảnh khắc chân thật, đáng giá của cuộc đời.

Nguồn Chính phủ