Kết nối nhạc cổ điển Việt Nam với thế giới

Ngoài việc định hình một “điểm hẹn” về nhạc cổ điển, Vietnam Connection hướng tới lộ trình kết nối, đưa nhạc cổ điển Việt Nam vượt khỏi biên giới, giới thiệu và giao thoa với thế giới.
Các nghệ sỹ biểu diễn khai mạc Liên hoan âm nhạc cổ điển Việt-Mỹ năm 2015. Ảnh: TTXVN

Sau thành công cuộc “ra quân” quy mô năm 2015, Liên hoan âm nhạc cổ điển Việt-Mỹ sẽ chính thức trở lại với tên gọi và diện mạo mới – Vietnam Connection ở Hà Nội và TPHCM.

Theo đó, Vietnam Connection 2016 bao gồm 5 buổi công diễn, ở TPHCM (7/8 và 9/8) và Hà Nội (11/8,13/8 và 14/8)

Ngoài việc định hình một “điểm hẹn” về nhạc cổ điển, Vietnam Connection hướng tới lộ trình kết nối, đưa nhạc cổ điển Việt Nam vượt khỏi biên giới, giới thiệu và giao thoa với thế giới.

Bên cạnh những nghệ sỹ đến từ Việt Nam như Chương Vũ, Bùi Công Duy, Ngô Hoàng Linh, Phạm Trường Sơn, Trần Thái Linh, Nguyễn Trinh Hương, Lê Thư Hương…công chúng Việt Nam sẽ có cơ hội thưởng thức các nghệ sỹ đến từ nhiều nước trên thế giới. Và năm nay, đêm diễn của nghệ sỹ violon Zhan Shu, hiện là thành viên bè violon 1 của Dàn nhạc giao hưởng Pittsburgh (PSO) nơi ông bắt đầu làm việc từ mùa diễn 2014-2015 sẽ là cơ hội hiếm có.

Vietnam Connection 2016 sẽ giới thiệu hai chương trình chuyên đề về âm nhạc thế kỷ 17 thời kỳ “Baroque” (phục hưng) của nhạc sỹ nổi tiếng người Đức được coi là người đứng đầu trong các thể loại âm nhạc Polyphony (phức điệu) J.S.Bach với những bản nhạc nổi tiếng vượt thời gian như “Brandenburg concerts,” concerto viết cho 2 violon, concerto cho 2 piano…

Kế đến sẽ là một chương trình đặc biệt khác dành cho các khán giả yêu thích âm nhạc của nhạc sỹ nổi tiếng người Italy Antonio Vivaldi với những bản Concerto nổi tiếng viết cho Violon cùng dàn nhạc thính phòng hay bản tổ khúc “Bốn Mùa” bất hủ của Vivaldi quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả nghe nhạc cổ điển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tương phản và cũng là điểm nhấn của Vietnam Connection sẽ đêm hoà nhạc cuối cùng “Gala concert” tối 14/8 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với chủ đề “Lễ hội của các bài hát và các điệu nhảy” sẽ giới thiệu đến khán giả các tác phẩm hoàn toàn mới và được công diễn lần đầu tiên tại Việt Nam.

Không nằm ngoài mục đích tiếp cận âm nhạc cổ điển tới công chúng phổ thông, nghệ sỹ Bùi Công Duy cũng bày tỏ về việc nới rộng phạm duy chủ đề trong các năm tới. Thay vì “đóng hộp” trong các tác phẩm cổ điển hàn lâm thế giới, có thể, những kỳ liên hoan tới sẽ nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc cổ điển Việt Nam, để đối thoại với nghệ sỹ quốc tế.

Nguồn Chinhphu.vn