Hướng tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân

 Ngày Quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân (26/9), là dịp để vận động cộng đồng, đặc biệt là các nhà lãnh đạo thế giới về những lợi ích của việc loại bỏ vũ khí hạt nhân; đồng thời, thu hút sự chú ý của họ tới những tổn thất kinh tế – xã hội mà việc sản xuất vũ khí hạt nhân gây ra.

Sản xuất và sử dụng vũ khí hạt nhân gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế và xã hội (Ảnh: csmonitor.com)

Ngày kỷ niệm này cũng là cơ hội để cộng đồng quốc tế tái khẳng định cam kết dành ưu tiên đặc biệt cho vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Sau cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ vũ khí hạt nhân, được tổ chức ngày 26/9/2013, Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc – phụ trách giải trừ vũ khí hạt nhân – đã thông qua Nghị quyết, theo đó yêu cầu các cuộc đàm phán bắt đầu sớm nhất có thể, trong khuôn khổ Hội nghị giải trừ quân bị, để nhanh chóng thông qua một công ước toàn diện về vũ khí hạt nhân.

Tại Nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã tuyên bố lấy ngày 26/9 để kỷ niệm Ngày Quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân và ngày kỷ niệm này nhằm thúc đẩy quá trình đạt được mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân. Nhân dịp này, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm vận động và thông tin về các mối đe dọa mà vũ khí hạt nhân gây ra cho nhân loại và sự cần thiết phải loại bỏ chúng hoàn toàn, huy động cộng đồng quốc tế để đạt được các mục tiêu chung là xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Theo Liên hợp quốc, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các nước có vũ khí hạt nhân hoặc là thành viên của liên minh hạt nhân. Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại về hậu quả nhân đạo thảm khốc phát sinh từ việc sử dụng dù chỉ một vũ khí hạt nhân duy nhất, chưa kể đến những tác động của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu hoặc khu vực. Tuy nhiên, vẫn có 17.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Cho đến nay, không có một vũ khí hạt nhân nào đã bị phá hủy theo như một hiệp ước song phương hoặc đa phương và không có cuộc đàm phán nào về giải trừ vũ khí hạt nhân đang được tiến hành. Ngược lại, các quốc gia sở hữu những vũ khí như vậy đã phát triển các kế hoạch hiện đại hóa lâu dài các kho vũ khí hạt nhân của họ, các học thuyết ngăn cản hạt nhân vẫn còn là một yếu tố quan trọng trong các chính sách an ninh của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và các đồng minh của họ.

Giải trừ vũ khí hạt nhân là một trong những mục tiêu đầu tiên của Liên hợp quốc. Giải trừ vũ khí hạt nhân cũng là một chủ đề chính của các hội nghị đánh giá của các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân diễn ra tại Liên hợp quốc từ năm 1975.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân là dịp thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại: Đạt được hòa bình và an ninh trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân./.

Nguồn ĐCSVN