Hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo”.

Tại Hội thảo, GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ thời gian gần đây thể hiện rõ trên năm trụ cột: kinh tế; chính trị; văn hóa – giáo dục, khoa học, kỹ thuật; năng lượng và quốc phòng – an ninh. Cả năm trụ cột này đều có sự liên kết, bổ trợ cho nhau rất mật thiết, hỗ trợ nhau để đạt kết quả tổng thể tốt đẹp.

Từ khi hai nước Việt Nam – Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (từ 2007) đến nay, mối quan hệ hợp tác đã phát triển hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo Việt Nam – Ấn Độ đều khẳng định nhất quán ủng hộ quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược hai nước và coi Việt Nam là trụ cột quan trọng nhất trong chính sách hướng Đông và hành động hướng Đông của Ấn Độ.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: HT

Các nhà lãnh đạo Việt Nam – Ấn Độ nhất trí tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn ở cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh, kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội; hợp tác giữa các Bộ ngành, các địa phương và giao lưu nhân dân; khẳng định tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như Ủy ban liên chính phủ, Tham khảo chính trị, Đối thoại chiến lược, Đối thoại chính sách quốc phòng, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, kỹ thuật, năng lượng; thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước; thúc đẩy thiết lập các cơ chế hợp tác mới phù hợp với yêu cầu phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Về lĩnh vực văn hoá, giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác về văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thám, tổ chức Liên hoan Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ hai năm một lần; tăng cường hợp tác kết nối đường không, đường biển.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Preeti Saran, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh: Ấn Độ và Việt Nam vốn có quan hệ lịch sử, văn minh từ nhiều thế kỷ trước. Qua nhiều năm, từ khi giành được độc lập, hai nước luôn không ngừng tôi rèn các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng; đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác về văn hóa và nhân dân thông qua văn hóa và giáo dục. Đại sứ Preeti Saran cho rằng cần giáo dục cho giới trẻ hai nước về những tiềm năng trong mối quan hệ hai nước. “Nền móng được tạo nên bởi những ảnh hưởng về văn hoá, giáo dục và xã hội sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên dư luận” – Đại sứ Preeti Saran khẳng định.

Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 75 bài tham luận của gần 100 học giả Việt Nam và Ấn Độ. Các tham luận đã tập trung làm rõ: Bối cảnh khu vực và quốc tế, tình hình trong nước của Việt Nam và Ấn Độ tác động đa chiều đến hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ trong các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng minh giải sâu hơn về nguyên nhân, thực trạng hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, truyền thông; vai trò, tác động, tầm quan trọng của quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các tham luận tại Hội thảo luận giải kỹ hơn các điều kiện, động lực, các giải pháp thúc đẩy hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội; giáo dục, đào tạo, truyền thông, trong đó chú ý phân tích, làm rõ ảnh hưởng của những nét tương đồng và khác biệt về văn hóa Việt Nam – Ấn Độ; cung cấp những luận chứng chủ yếu góp phần trả lời câu hỏi vì sao sự hợp tác phát triển về văn hóa, giáo dục, đào tạo và truyền thông giữa Việt Nam – Ấn Độ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Đồng thời phân tích những rào cản ảnh hưởng đến hợp tác phát triển Việt – Ấn như: Cách tiếp cận về địa chính trị, địa kinh tế, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, dân tộc, phong tục, tập quán, khoảng cách địa lý, điều kiện hạ tầng giao thông, truyền thống, khuôn khổ pháp lý, những tác động ngoại biên khác,… Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất giải pháp giải pháp góp phần vun đắp, phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam – Ấn Độ ngày càng bền chặt.

Nguồn ĐCSVN