Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015: Nhiều vấn đề nóng được giải đáp, làm rõ

Chiều 1/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề nóng đang được báo chí và dư luận xã hội quan tâm.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã tóm tắt nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng diễn ra sáng 1/4.

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 – Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Phóng viên Báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi: Trong nhiều phiên họp chỉ đạo về kinh tế-xã hội, Thủ tướng luôn yêu cầu các quyết định cũng như chính sách của các bộ, ngành, địa phương khi ban hành ra có tác động lớn tới đời sống người dân và doanh nghiệp phải lấy ý kiến của đối tượng tác động. Gần đây, tại một số địa phương như Hà Nội với dự án thay thế cây xanh, dự án lấp sông Đồng Nai của tỉnh Đồng Nai là những dự án lớn, có sức ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và môi sinh nhưng chưa được lấy ý kiến của người dân. Xin Bộ trưởng cho biết những việc làm đó có vi phạm quy định chỉ đạo của Chính phủ và những luật có liên quan như: Luật Bảo vệ tài nguyên nước, Luật Môi trường không? Có những lợi ích cục bộ của địa phương hay những đơn vị triển khai không? Nếu có vi phạm Chính phủ sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, những ngày qua câu chuyện cây xanh của Hà Nội và kè sông Đồng Nai đã nghe nhiều nguồn thông tin phong phú và có thể nói rằng chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm không chỉ riêng cho Hà Nội. Hiện nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét tất cả các yếu tố có liên quan đến dự án kè sông Đồng Nai, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo, nếu trong phạm vi chưa quá thẩm quyền thì Thủ tướng sẽ chỉ đạo trực tiếp.

Với TP. Hà Nội, Thủ tướng cũng đã giao cho Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội lập đoàn thanh tra xem xét toàn diện các yếu tố cần và đủ khi thực hiện dự án đó, sau khi có kết luận thanh tra mới biết sai chỗ nào, ai sai và sẽ xử lý theo quy định.

Nhưng về vấn đề này có thể rút ra một số bài học lớn, trước hết là về pháp lý. Sau khi chúng tôi nhận được báo cáo của TP. Hà Nội, Hà Nội cũng đã nhận thấy về mặt chủ trương là hoàn toàn đúng nhưng quá trình thực hiện có một số vấn đề chưa đầy đủ. UBND TP. Hà Nội đã dừng việc này và người đứng đầu thành phố là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục xem xét, kiểm tra làm rõ, xử lý trách nhiệm nghiêm minh. Những ngày qua, qua việc trao đổi thông tin, có ý kiến kiến nghị của nhà khoa học, nhà nghiên cứu, của người dân, đặc biệt là có những phóng viên phải lặn lội tìm cội nguồn có liên quan đến dự án này. Khi thanh tra chắc chắn sẽ xem xét yếu tố pháp lý của việc này, bởi vì đối với cây xanh của Thủ đô có Nghị định 64 và Luật Thủ đô điều chỉnh. Khi làm một dự án, tinh thần, chủ trương đúng nhưng quá trình làm có thực hiện đúng hay không thì chỉ có kiểm tra, thanh tra xong mới biết.

Vấn đề thứ hai cần phải xem xét trong quá trình thanh tra là việc quản lý. Thủ tướng chỉ đạo trong quá trình tổ chức thực hiện bất kì vấn đề nào có liên quan đến người dân, xã hội thì phải lấy ý kiến người dân theo quy chế dân chủ, bám sát các quy định tôn trọng việc lấy ý kiến người dân. Đã có quy định thì phải kiểm tra lại xem quy trình thực hiện có chỗ nào làm không đủ không. Chắc chắn quá trình thanh tra sẽ làm rõ điều đó. Khi báo chí đăng tải thì có những quy định đã làm không chặt chẽ. Người ta nói rằng, trồng một loại cây thay thế một loại cây để thành phố đẹp hơn là rất tốt nhưng liệu những cây đó có hợp lý không? Có người nói rằng không hợp lý. Vấn đề này cũng phải thanh tra lại. Chúng ta cũng không nên quên, trong bất kì việc gì có liên quan đến môi trường, đến cây xanh trong thành phố thì phải lưu ý đến khía cạnh đạo lý, khía cạnh không thể bỏ qua. Đó là cây lâu năm tồn tại bên cạnh con người cũng có hồn riêng. Quá trình muốn thay đổi khi thật sự cần thiết, thì phải được sự đồng thuận của người dân, cân nhắc đến tâm tư, tình cảm, kỉ niệm của người dân. Tất cả việc này trong quá trình thanh tra chắc chắn sẽ làm kĩ, tìm ra có sai chỗ nào không, thiếu chỗ nào không và sai thì sẽ tìm ra trách nhiệm của ai, cấp nào quản lý, thì cán bộ đó sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Ở Đồng Nai cũng như vậy. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo phải làm kĩ, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, xem xét các yếu tố pháp lý, khi kè bờ sông như vậy phải làm những thủ tục gì, phải lấy ý kiến ai, tính toán như thế nào. Trong quá trình quản lý có dính líu đến các vấn đề giải tỏa, dân cư… trên một dòng sông mà không chỉ riêng sông Đồng Nai. Trong quá trình xử lý cần xem xét kĩ, phải nói là có những ý kiến rất hay mà nhà quản lý không thể bỏ qua. Cuối cùng, cũng phải xem xét lại tất cả những tình tiết, quá trình tổ chức thực hiện có gì cá nhân trong đó không, có sai phạm cố ý nào không, cán bộ cấp nào thì cấp đó bị xử lý.

Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa nhắc lại tại phiên họp rằng chúng ta triển khai bất kì việc gì, dù chúng ta có chủ trương đúng nhưng khi có sự phản ánh của quần chúng nhân dân, của số đông thì chúng ta nên dừng lại để tiếp tục xem xét, có sai thì sửa trên tinh thần cầu thị nghiêm túc.

Phóng viên Báo Tuổi Trẻ nêu câu hỏi: Xin cho biết những chủ trương và giải pháp của Chính phủ liên quan đến việc công nhân đình công tập thể rất đông ở TPHCM liên quan đến Điều 60 Luật BHXH. Tại sao một chính sách tốt cho người lao động mà người ta lại phản ứng như vậy?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Những ngày qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và TPHCM làm hết sức mình để vận động, thuyết phục bà con, người lao động đang có những phản ứng về Điều 60 của Luật BHXH sắp có hiệu lực. Và hôm nay, Chính phủ cũng đưa nội dung này vào bàn bạc, dành thời gian một cách thỏa đáng để bàn bạc kỹ và có hướng xử lý. Cũng tại cuộc họp Chính phủ hôm nay, Chính phủ đã nhận được kiến nghị của lãnh đạo TPHCM có một số đề xuất trùng hợp với ý kiến trong lời kêu gọi đã đăng tải công khai của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng gửi toàn thể người lao động trong cả nước, giải thích về Điều 60 và ý định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Sau khi bàn bạc, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có sự đồng tình, ủng hộ của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ đi đến thống nhất đánh giá rằng Điều 60 của Luật BHXH là một bước tiến lo cho người lao động ổn định lâu dài nhưng khi lấy ý kiến chuẩn bị cho hướng dẫn triển khai đưa luật đi vào cuộc sống thì gặp phải sự không đồng thuận của đa số người lao động, trước hết là tại một công ty ở TPHCM. Sau khi bàn bạc, thống nhất, Chính phủ thấy rằng ý kiến, đề nghị của đa số công nhân đưa ra những ngày qua là chính đáng. Vì lẽ đó, Chính phủ thống nhất với đề nghị của lãnh đạo TPHCM và tinh thần lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng. Đó là Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét lại Điều 60, sửa một phần của Điều 60 là để cho người công nhân được chọn lựa giải quyết hưởng bảo hiểm một lần như hiện nay. Bởi vì thực tế có một bộ phận lớn công nhân thấy rằng điều kiện để thực hiện theo Điều 60 là không phù hợp với cuộc sống của họ.

Như vậy thì trước hết, như nội dung của lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là từ nay đến ngày 31/12/2015, mọi chế độ đang thực hiện không có gì thay đổi. Chính phủ đã thống nhất sẽ kiến nghị Quốc hội để xem xét lại Điều này và không có gì thay đổi thì khoảng 20/5 Quốc hội sẽ nhóm họp giữa năm. Chính phủ kiến nghị để Quốc hội xem xét lại. Chúng tôi thấy rằng đề nghị của Chính phủ thể theo nguyện vọng chính đáng của đa số người lao động là hợp lý, phù hợp trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng sẽ báo cáo, các bạn sẽ thông tin kịp thời lại và kêu gọi tất cả những người lao động hiện nay còn đang có những lo lắng, vướng mắc vấn đề này thì hãy yên tâm trở lại làm việc bình thường, đồng thời cũng hết sức bình tĩnh để không nghe những lời kích động, xúi giục làm trái đi nguyện vọng chính đáng của người lao động chúng ta. Hãy tin tưởng rằng Chính phủ sẽ đề xuất, kiến nghị một cách đầy đủ tinh thần theo nguyện vọng chính đáng của người lao động hiện nay cũng như đề xuất của lãnh đạo TPHCM và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngay tại cuộc họp Chính phủ hôm nay. Tinh thần đó tôi đề nghị các báo hãy thuyết phục, vận động người lao động yên tâm lao động để đảm bảo những công việc theo kế hoạch của DN đề ra và không ảnh hưởng đến mọi hoạt động bình thường của DN hiện nay.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các báo, đài liên quan đến việc cấp phép cho các chương trình liên kết của Đài Truyền hình Việt Nam; chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về thị trường tiền tệ, thị trường vàng; tăng trưởng GDP trong quý I/2015…/.

 

Nguồn ĐCSVN