Hội nghị IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó biến đổi khí hậu kết thúc thành công tốt đẹp

Sáng 13-5, tại TP Hồ Chí Minh, sau phiên họp toàn thể thứ ba, Hội nghị chuyên đề Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu – Hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững” bế mạc và thành công tốt đẹp.

1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng.

Phát biểu ý kiến bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (QH) Việt Nam Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Hội nghị đã hoàn thành các nội dung đề ra trong chương trình nghị sự sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, tích cực trong bầu không khí sôi nổi và đầy trách nhiệm trước thách thức lớn đối với nhân loại và từng quốc gia về tác động biến đổi khí hậu. Sự tham gia tích cực của các đại biểu QH/nghị sĩ và các chuyên gia đã góp phần tạo nên thành công của hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực QH cho biết: Kết quả hội nghị cùng với các vấn đề được thảo luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị sẽ được thông tin tới Đại hội đồng IPU và các QH/Nghị viện thành viên IPU và sẽ được Chủ tịch, Tổng Thư ký IPU chuyển lên Đại hội đồng IPU trong thời gian tới. Thay mặt QH Việt Nam, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cảm ơn sự tâm huyết, tham gia nhiệt tình của các ông Chủ tịch, Tổng thư ký IPU, các vị Chủ tịch/Phó Chủ tịch QH/Nghị viện các nước, Tổng thư ký AIPA, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các vị đại biểu cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để hội nghị thành công.

Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc, Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho rằng, qua nội dung hội nghị cho thấy, QH/Nghị viện và các đại biểu QH/nghị sĩ có vai trò quan trọng trong việc đưa kết luận của hội nghị vào chương trình hoạt động của mình, bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững phải được thực hiện nhất quán, bất kể ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay ở khu vực khác. Hơn nữa, bảo đảm bình đẳng giới với sự tham gia của phụ nữ trong cả vai trò quản trị cũng như các dự án phát triển.

Tổng thư ký IPU bày tỏ hy vọng, trong phạm vi quyền lực của mình, các đại biểu QH, nghị sĩ, QH, Nghị viện các nước sẽ làm mọi cách để biến việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thành hiện thực, cùng các Chính phủ hành động đáp ứng được mục tiêu quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu chung của cộng đồng thế giới, huy động đủ nguồn lực để triển khai thực hiện SDGs.

Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong.

Trước đó, đầu buổi sáng, Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục diễn ra với phiên toàn thể thứ ba. Tại phiên họp này, các đại biểu, diễn giả đã trình bày tham luận và thảo luận về việc làm sao huy động được các nguồn lực để thực hiện SDGs ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sau phần trình bày tham luận của các diễn giả, các đại biểu tham dự hội nghị lần lượt đặt ra các câu hỏi và thảo luận với các diễn giả, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều ý tưởng để huy động nguồn lực thực hiện SDGs. Một số đại biểu tập trung phân tích các nguồn quỹ hỗ trợ và xóa nợ đã từng là những yếu tố quan trọng đối với các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Ngày nay, các nguồn lực khác từ khu vực công và tư đều được công nhận rộng rãi, rất cần thiết để thực hiện các SDGs. Vì thế, các Nghị viện cùng các đối tác phát triển làm thế nào để bảo đảm đủ nguồn lực tài chính và phi tài chính để thực hiện chiến lược SDGs quốc gia và khu vực.

Theo đó, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc huy động các nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề quan trọng. Do đó, QH/Nghị viện cần tăng cường giám sát, bảo đảm phân bổ ngân sách và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cam kết quốc gia và các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên; khuyến khích các tổ chức quốc tế và các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Các diễn giả cũng cho rằng, các doanh nghiệp trong những ngành sản xuất gây phát thải nhiều khí, chất thải độc hại ra môi trường hay tiêu thụ nhiều nước cần phải có đóng góp nhiều hơn để tạo thêm các nguồn lực thực hiện SDGs. Người tiêu dùng và các cổ đông có thể sử dụng đến quyền lực đặc biệt như không sử dụng hàng hóa, dịch vụ hay từ chối mua cổ phiếu của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường…

Ngay sau phiên bế mạc, IPU và Quốc hội Việt Nam tổ chức buổi họp báo quốc tế công bố kết quả hội nghị và trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí.

Báo Nhân Dân