Hàng hoá sắp tăng giá ồ ạt ?

       Theo dự báo của Bộ Công Thương, do bắt đầu vào mùa mưa bão tại các tỉnh phía Bắc, nên mặt hàng thiết yếu thời gian này có thể xảy ra việc tăng giá cục bộ tại một số địa phương.

      Đối với các mặt hàng thiết yếu, dự báo về diễn biến giá cả đưa ra trong tháng 6 của Bộ Công Thương cho thấy, do bắt đầu vào mùa mưa bão tại các tỉnh phía Bắc, nên có thể xảy ra việc tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Cùng với đó, thời gian này đang vào mùa du lịch cao điểm khiến nhu cầu đối với hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng. Ngoài ra, thị trường còn tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu…

      Ngoài các mặt hàng thiết yếu, ngành Hoá chất cũng được dự báo sẽ có sự biến động trong thời gian tới. Nguyên nhân, hiện đang vào vụ mùa hè thu nên nhu cầu sử dụng phân bón khá cao, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nhu cầu phân bón tăng để phục vụ bón phân cho cây cà phê và cao su.

Dù khối lượng giao dịch phân bón tăng so với thời gian trước nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá phân bón ổn định, không có sự sốt giá và mua hàng cho nhu cầu dự trữ như cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng giá ure vẫn ở mức cao.

 Ảnh minh họa

 Nhiều mặt hàng thiết yếu được dự sẽ có biến động


Dự báo trong thời gian tới, thị trường phân bón trong nước sẽ có biến động do ảnh hưởng  bởi thị trường phân bón quốc tế. Các thị trường lớn như Ấn độ, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng giá nhiều loại phân bón (đặc biệt là Urea phục vụ cho sản xuất nông nghiệp). Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách không khuyến khích xuất khẩu phân bón.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hiện tượng đầu cơ tích trữ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; thực hiện việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Riêng đối với ngành Thép, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 5 không có nhiều biến động. Giá thép tại các nhà máy sản xuất kinh doanh thép tương đối ổn định, ngoại trừ một số nhà máy sản xuất phía Bắc tăng 50 - 100 đồng/kg đối với thép tròn cuộn và 50 - 200 đồng/kg đối với thép cây thông dụng thông qua việc giảm chiết khấu bán hàng.

Lượng thép tồn kho giảm đáng kể so với tháng trước (giảm khoảng 40.000 tấn) do các nhà sản xuất thép chỉ sản xuất cầm chừng, một số doanh nghiệp đã tạm ngừng sản xuất do gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, các đại lý trên cả nước cũng bắt đầu tăng lượng mua dự trữ để bán ra trong thời gian tới.

Hiện thép tròn cuộn đang có giá khoảng 15.350 - 15.550 đồng/kg, thép cây thông dụng khoảng 15.330 - 15.550đ/kg (chưa tính VAT). Dự báo trong thời gian tới giá mặt hàng này cũng sẽ giữ ở mức ổn định.