Hải quân – át chủ bài quân đội Mỹ được tiếp sức mạnh mới

Hải quân Mỹ sẵn sàng mở rộng đội tàu theo cam kết của Donald Trump.

Các  tướng lĩnh hải quân Mỹ đang theo dõi rất sát cam kết của ứng cử viên Trump về việc tăng ngân sách quốc phòng và chú trọng xây dựng hạm đội hải quân Mỹ từ 274 lên 350 tàu chiến. Tại sao ông Trump lại quan tâm đến hải quân? Vì Mỹ là cường quốc hàng hải và hải quân; tàu chiến Mỹ có mặt ở tất cả các đại dương của thế giới và Mỹ chưa có ý định nhường vị trí chủ đạo trên biển cho bất kỳ đối thủ nào.

Hải quân – át chủ bài quân đội Mỹ được tiếp sức mạnh mới - ảnh 1 USS Colorado – tàu ngầm tấn công hiện đại của hải quân Mỹ vừa hạ thủy, tăng năng lực hoạt động trên biển cuả hải quân Mỹ

Hạ thủy tàu ngầm tấn công mới nhất

Ngày 4/12, Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson tuyên bố ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của nước này đã sẵn sàng và có khả năng tăng số lượng tàu chiến mới nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump giữ cam kết mở rộng đội tàu của Hải quân nước này lên 350 chiếc.

Trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở bang California, Đô đốc Richardson cho biết việc điều chỉnh số lượng tàu của Hải quân từ mục tiêu hiện nay là 308 chiếc sẽ “khá dễ dàng” với điều kiện đủ ngân sách chi trả cho việc này. Theo ông, chính quyền mới có thể đệ trình khoản ngân sách bổ sung cho tài khóa 2017 (kết thúc vào ngày 30/9/2017). Đề nghị ngân sách bổ sung có thể bao gồm đạn dược, máy bay và các trang thiết bị khác; tiếp đó là các đơn hàng đóng tàu ngầm, tàu khu trục, tàu đổ bộ và có thể cả tàu sân bay. Ông nhấn mạnh việc đóng hai tàu sân bay cùng một lúc có thể tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD.

Hải quân – át chủ bài quân đội Mỹ được tiếp sức mạnh mới - ảnh 2 USS America – tàu đổ bộ tấn công của hải quân Mỹ đang trong giai đoạn hoàn thiện trước năm 2020

Sức mạnh tổng thể của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương

 Ngày 25/11, tại Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc đã công bố “Báo cáo sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (2016)”. Báo cáo chỉ rõ mấy năm gần đây Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở tuyến đầu và hoạt động quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời trong bối cảnh chi tiêu quân sự tổng thể giảm đi, Mỹ lại gia tăng tỉ lệ chi tiêu quân sự ở khu vực này.

Trong đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm 2017, Mỹ lần đầu tiên liệt Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa chiến lược trên toàn cầu, yêu cầu ngân sách cho các hành động khẩn cấp ở nước ngoài tăng khoảng 5 tỷ USD so với năm tài khóa 2016, đồng thời tập trung tăng cường năng lực phòng vệ trên biển với các nước đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á. Mỹ sẽ triển khai nhiều hơn nữa máy bay chiến đấu F-35 và tàu khu trục Aegis ở Nhật Bản, triển khai luân phiên máy bay trinh sát và săn ngầm P-8 Poseidon ở Singapore, thực hiện luân phiên quân đội Mỹ ở miền Bắc Australia, đưa lính thủy đánh bộ đến căn cứ ở Guam, tăng cường triển khai luân phiên ở Philippines, trong 5 năm tới sẽ hỗ trợ 425 triệu USD cho “Sáng kiến an ninh trên biển Đông Nam Á” cũng như tiếp tục thực thi Chương trình bảo vệ tự do hàng hải trong phạm vi được luật quốc tế cho phép…

Mở rộng căn cứ quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương

Căn cứ quân sự của Mỹ trải khắp 5 châu lục, 4 đại dương ngoại trừ châu Nam Cực, phủ khắp hơn 50 quốc gia trên thế giới, với tổng số 587 căn cứ quân sự. Báo cáo chỉ rõ do hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có giá trị chiến lược hết sức quan trọng đối với Mỹ, Mỹ có tổng cộng 7 nhóm căn cứ quân sự ở 2 khu vực trên, chiếm gần 50% tổng số căn cứ ở nước ngoài. Trong đó, tại Nhật Bản có 122 căn cứ và ở Hàn Quốc là 83 căn cứ.

Tuy quân đội Mỹ không thiết lập căn cứ vĩnh viễn ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, nhưng đã thông qua các phương thức như đồn trú luân phiên, chuyến thăm của tàu chiến và tập trận chung… để triển khai lực lượng quân sự. Trong đó, quân đội Mỹ về cơ bản đã giành được quyền sử dụng căn cứ hải quân Changi của Singapore, trách nhiệm chủ yếu của căn cứ này là tiếp viện và bảo vệ cho Hạm đội 7. Những năm gần đây, Mỹ và Philippines đã đạt được nhận thức chung về việc quân đội Mỹ sử dụng nhiều căn cứ quân sự của Philippines, quân đội Mỹ còn tìm cách thông qua các phương thức như chuyến thăm của tàu chiến, bảo dưỡng tàu chiến… để có thể đi vào căn cứ hải quân ở Vịnh Cam Ranh của Việt Nam và các căn cứ quân sự xung quanh Nam Hải như căn cứ hải quân Kota Kinabalu của Malaysia…

Ngoài ra, Mỹ còn lên kế hoạch đưa hải quân Australia tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD). Báo cáo cho rằng mục đích của những biện pháp nêu trên của Mỹ là nhằm xây dựng hệ thống căn cứ quân sự châu Á-Thái Bình Dương kết hợp giữa gần với xa, trạng thái tĩnh với trạng thái động và chiến lược với chiến thuật.

Ở Tây Thái Bình Dương, số binh lính của Mỹ vào khoảng 153.000 người, chủ yếu bố trí ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam, Hawaii và Alaska.

Dưới sự chỉ đạo của chiến lược tái cân bằng, quân đội Mỹ đang từng bước triển khai tàu chiến mặt nước tiên tiến nhất của nước này đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN-76) được bố trí năm 2015, tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) được bố trí trước năm 2020… Trong vài năm tới, quân đội Mỹ sẽ mua 395 máy bay chiến đấu F-35, phần lớn trong đó sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

Theo Báo Tổ quốc