Gò Công Đông duy trì sản xuất rau màu trong mùa xâm nhập mặn

(THTG) Mặc dù là địa phương cuối nguồn dự án ngọt hóa Gò Công, nhưng do chủ động được nguồn nước nên trong mùa khô năm nay, huyện Gò Công Đông vẫn duy trì sản xuất khoảng 1.700 ha rau màu các loại, tăng gần 330 hecta so với mùa khô năm nước. Nhờ vậy người nông dân có nguồn thu nhập ổn định trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

vlcsnap-2022-04-13-08h53m23s767.png

vlcsnap-2022-04-13-08h53m49s684.png

Diện tích rau màu huyện Gò Công Đông tăng so với năm trước do chủ động nguồn nước tưới. Ảnh: Minh Trí

Phần lớn diện tích rau màu tập trung tại các xã Bình Nghị, Tân Phước, Kiểng Phước, Gia Thuận, Tân Điền, …. Chủ lực là các loại rau ăn lá, còn lại là một số loại rau ăn trái thường sử dụng nhiều trong mùa khô, nắng nóng như: dưa leo, khổ qua, mướp, bầu,…với tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 28.000 tấn.

Theo đánh giá của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông thì từ đầu mùa khô đến nay, nguồn nước phục vụ sản xuất rau màu vẫn bảo đảm, dồi dào hơn so với mùa khô năm trước, đặc biệt chất lượng nước cũng tốt hơn và độ mặn trong nước cũng thấp hơn, không ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng của rau màu. Năng suất bình quân đạt từ 14 đến 16 tấn/ha, tùy theo từng loại rau màu. Trong đó, các diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng rau màu cho thu nhập cao hơn từ 3 đến 4 lần so với canh tác lúa. Đây cũng chính là mục đích mà đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn mặn được ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân vùng ngọt hóa Gò Công tích cực thực hiện trong những năm gần đây./

Kim Nữ