Gần 800 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và hơn 450 trường hợp bị tay chân miệng

(THTG) Thống kê của trung tâm y tế dự phòng Tiền Giang, đến trung tuần tháng 5/2017, số cas mắc bệnh sốt xuất huyết tại Tiền Giang gần 800 trường hợp, trong đó có 01 trường hợp tử vong ở huyện Chợ Gạo.

Benh SXH

Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhi. Ảnh: Phi Phụng

Theo nhận định của ngành y tế Tiền Giang, so với cùng kỳ năm 2016 tuy số cas mắc giảm, nhưng Tiền Giang là tỉnh có số cas mắc sốt xuất huyết cao trong các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Đặc biệt, tình hình bệnh sốt xuất huyết có sự hiện diện của cả 3 tuýp vi rút Dengue gây bệnh. Ngoài ra, các chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng lây truyền bệnh vẫn ở mức cao, do thời tiết thay đổi, mưa trái mùa, kèm theo nhiệt độ nóng bức là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi, lăng quăng lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

Benh SXH1

Tăng cường bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng cách thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế. Ảnh: Phi Phụng

Nhằm chủ động phòng chống, không để dịch bùng phát, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của ngành Y tế như thường xuyên diệt lăng quăng trong và ngoài nhà. Tránh muỗi đốt, ngủ mùng, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

* Cảnh giác bệnh tay chân miệng  gia tăng, tăng trên 74% cùng kỳ 2016

Riêng đối với bệnh tay chân miệng, tính đến trung tuần tháng 5/2017, toàn tỉnh Tiền Giang có trên 450 trường hợp mắc, tăng trên 74% so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt bệnh đang vào cao điểm với đỉnh bệnh thường bùng phát từ tháng 3 đến tháng 5 và có thể gia tăng với đỉnh bệnh từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2017.

Benh tay chan mieng

Lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao so với cùng kỳ 2016. Ảnh: Phi Phụng

Benh tay chan mieng1

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Ảnh: Phi Phụng

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, ngành Y tế khuyến cáo người dân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc và vệ sinh cho trẻ. Thực hiện ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải được rửa sạch; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Thanh Xuân