EU trăn trở tìm giải pháp

Phải chăng sự cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho Liên hiệp châu Âu (EU) phải chấp nhận một số giải pháp tình thế. Và một quyết định quan trọng đã được các Bộ trưởng Nội vụ EU đưa ra ngày 20-5, cho phép các nước thành viên EU ngừng miễn thị thực vào EU đối với công dân một số quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, nếu vi phạm các quy định giữa các bên.

1

Cờ EU và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Europa)

Theo quy chế mới, các nước EU sẽ cắt giảm thời gian chương trình miễn thị thực cho khoảng 60 quốc gia, nếu xuất hiện số lượng lớn người cư trú trái phép trong EU có liên quan tới những nước được nới lỏng quy chế thị thực, hoặc có số lượng lớn người nhập cư từ những nước này đăng ký xin tị nạn tại EU. Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Klaas Dijkhoff – nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho rằng, quy chế mới sẽ giúp các nước EU linh hoạt hơn trong quyết định về thị thực nhập cảnh đối với các nước liên quan ngoài EU.

Trong lúc EU và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đi tới kết luận cuối cùng về thỏa thuận miễn thị thực vào EU cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, thì quy chế mới mà các Bộ trưởng Nội vụ EU vừa đưa ra như một giải pháp trước mắt, để có thể dần hạn chế dòng người di cư từ tứ phía đến EU, trong đó chủ yếu từ Trung Đông, Bắc Phi.

Theo thỏa thuận ký trước đó giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ – cầu nối giữa Tây Á và EU, nếu Thổ Nhĩ kỳ thực hiện đầy đủ 72 điều kiện mà EU đặt ra, trong đó có việc nước này sẽ nhận lại những người di cư vào EU, thì EU sẽ xóa bỏ thị thực du lịch đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề này.

Các nhà chức trách Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, việc xóa bỏ thị thực du lịch cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gia tăng nguy cơ tấn công khủng bố vào EU do những kẻ khủng bố, tội phạm sẽ lợi dụng cơ chế đi lại tự do để có được hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó xâm nhập dễ dàng vào lãnh thổ EU. Đặc biệt, tội phạm hoạt động trong những mạng lưới buôn lậu vũ khí, ma túy, buôn người tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng mở rộng hoạt động trên lãnh thổ EU. Song, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc miễn thị thực du lịch vào EU là điều quan trọng.

Đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn liên quan đến việc sửa đổi luật chống khủng bố – một trong những điều kiện mà EU đặt ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết không sửa đổi luật chống khủng bố, trong khi các nghị sĩ EU tiếp tục giữ thái độ cứng rắn, thì việc EU cấp quy chế ưu đãi về miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể diễn ra sớm và sẽ phải tiến hành thương lượng.

Trưởng phái đoàn Nghị viện châu Âu Marietje Schaake luôn nhấn mạnh việc Thổ Nhĩ kỳ cần thay đổi luật chống khủng bố. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết mà EU quan tâm trước khi phía EU có thể bỏ phiếu thông qua quyết định miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

EU vẫn đang tích cực tìm giải pháp hữu hiệu cho những phương án tiếp theo để từng bước giải quyết vấn đề di cư, đồng thời, tiếp tục thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành những yếu cầu mà EU đã đưa ra. Sự cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến cho thỏa thuận với EU khó có thể thực hiện được trong những ngày tới.

 Nhân Dân điện tử