Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có gì mới?

Từ ngày 2/1/2013, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Thời gian lấy ý kiến sẽ kéo dài trong 3 tháng. Dự thảo Hiến pháp năm 1992 có những điểm sửa đổi cơ bản nào?


Theo thông báo, nhân dân sẽ góp ý cho dự  thảo sửa đổi Hiến pháp ở 8 nội dung: Lời nói 
đầu của Hiến pháp; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ  quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ  thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 38/2012/QĐ13; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội tại địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác.

Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân; Các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; các Ban của Đảng; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước; Các cơ quan nhà nước ở địa phương: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu; Các cơ quan thông tấn, báo chí.

Vậy, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có những nội dung sửa đổi cơ bản nào?

Nhà nước dân chủ, pháp quyền

Dự thảo giữ các nội dung của Điều 1 Hiến pháp năm 1992, đồng thời bổ sung “dân chủ” để làm rõ hơn bản chất của Nhà nước ta, chế độ ta.

Trong đó, điểm đáng chú ý là ngay tại Điều 1 Hiến pháp đã ghi rõ: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”; Điều 1 Hiến pháp 1992 là: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

Tại Điều 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bổ sung thêm chữ pháp quyền ngay sau chữ Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Cụ thể, Điều 2 ghi: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
 
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Điều 4, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Dự thảo cơ bản giữ các nội dung tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 và bổ sung một số nội dung theo Cương lĩnh như sau: Một là, thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng theo Cương lĩnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”; hai là, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; ba là, không chỉ các tổ chức của Đảng, mà các đảng viên hoạt động phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Cụ thể hoá vai trò nhiệm vụ của Chủ tịch nước 

Ở Chương Chủ tịch nước, tại Đ
iều 94 (sửa đổi, bổ sung Điều 103) tiếp tục kế thừa quy định còn phù hợp của Điều 103 Hiến pháp năm 1992 về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bố cục lại Điều này theo hướng gom các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước theo các nhóm nội dung liên quan đến lập pháp, hành pháp, tư pháp, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau đây:

+ Trong mối quan hệ với hành pháp: Bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (khoản 2) để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ hơn mối quan hệ của Chủ tịch nước với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động lập pháp; đồng thời phát huy tốt hơn cơ chế kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

+ Trong mối quan hệ với tư pháp: Bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (khoản 3). Việc bổ sung quy định này nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, phù hợp với tinh thần, định hướng đổi mới tổ chức Toà án nhân dân tối cao theo hướng tinh gọn, thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần phải được Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; Chủ tịch nước sẽ căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh này.

Bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Toà án nhân dân các cấp (khoản 3) để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, bám sát tinh thần Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Khoá XI, bảo đảm tính nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong xét xử, tăng cường tính độc lập trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao vai trò, vị thế thẩm phán toà án nhân dân.

Chuyển quyền quyết định đặc xá từ khoản 12 Điều 103 Hiến pháp năm 1992 lên khoản 3 Điều 94 dự thảo Hiến pháp, đặt trong nhóm quyền thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội nhằm bảo đảm tính logic, hợp lý.

+ Về việc thực hiện vai trò Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân:

Bổ sung vào khoản 5 thẩm quyền quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc bổ sung thẩm quyền này cho Chủ tịch nước vừa phân định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền phong hàm, cấp sĩ quan của Chủ tịch nước với các chủ thể có thẩm quyền khác, tạo cơ sở thống nhất cho việc  cụ thể hóa trong các đạo luật và áp dụng trên thực tế; đồng thời phù hợp với vị trí, vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh của Chủ tịch nước.  

+ Về đối ngoại: Bổ sung quyền phong hàm, cấp đại sứ của Chủ tịch nước.

Sửa quy định “tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế” thành “quyết định đàm phán, ký kết điều ước quốc tế” vì trên thực tế, Chủ tịch nước chưa khi nào tiến hành đàm phán ký kết điều ước quốc tế, mà thường quyết định ủy quyền cho các cơ quan tiến hành đàm phán; đồng thời để thể hiện đúng vị trí của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại.

Kế thừa quy định Điều 109 của Hiến pháp năm 1992, tiếp tục khẳng định vị trí, tính chất của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, là cơ quan chấp hành của Quốc hội; chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Bổ sung quy định Chính phủ “thực hiện quyền hành pháp” để phù hợp với quan điểm và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể hiện phân công rành mạch quyền lực của Quốc hội và của Chính phủ.

Điểm mới nhất của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nằm ở Chương X. Lần đầu tiên khái niệm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước.đã được đưa ra.
 
Theo đó, Điều 120 (mới) nêu: Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên; 
 
Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn;
 
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định.
 
Còn theo Điều 121 (mới): Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên;  Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định.
 
Điều 122 (mới): Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước do luật định; Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội; Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán Nhà nước do luật định.