Tọa đàm về Hội đồng Hiến pháp trong sửa đổi Hiến pháp 1992

      Sáng 17-8, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tổ chức tọa đàm khoa học về Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chủ trì. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các thành viên Thường trực Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lập pháp và đại biểu Quốc hội.          

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
            Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại một phiên họp Ủy ban Dự thảo                                        sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: TTXVN

Hội đồng Hiến pháp là một trong những nội dung quan trọng với 5 vấn đề đang được tiếp tục thảo luận, cho ý kiến. Đó là, sự cần thiết thành lập, cơ sở lý luận; mô hình tổ chức; nhiệm vụ quyền hạn; mối quan hệ của Hội đồng Hiến pháp.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, thiết chế bảo hiến là nội dung hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là lần đầu tiên, chế định này được đặt ra trong quá trình xây dựng Hiến pháp ở nước ta.

Vấn đề này, thời gian qua, Ủy ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các tầng lớp nhân dân, nhà khoa học và các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc xây dựng thiết chế này trên cơ sở tiếp thu tinh hoa khoa học của nhân loại và kế thừa thành tựu trong xây dựng bộ máy Nhà nước từ khi thành lập đến nay, hướng đến mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, có tầm nhìn lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp thu, tổng hợp ý kiến và tiếp tục thảo luận để góp phần hoàn thiện thiết chế Hội đồng Hiến pháp.

Tham luận tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến phân tích về sự cần thiết của chế định này trong Hiến pháp, bởi Hiến pháp là đạo luật gốc của mỗi quốc gia, là khế ước xã hội.

Đối với nước ta, Hiến pháp là sự thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong đó các quyền cơ bản của công dân được đặt lên hàng đầu; được tôn trọng, bảo vệ trong đạo luật gốc là Hiến pháp.