Du lịch Ninh Bình-Cơ hội và thách thức hậu vinh danh của Unesco

Việc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới sẽ mang lại cơ hội lớn mà thách thức cũng không nhỏ cho du lịch Tràng An nói riêng và Ninh Bình nói chung.

Du lịch đã mang lại rất nhiều việc làm và thu nhập cho
người dân địa phương.Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Cờ đã đến tay

Theo ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, việc những hình ảnh, giá trị về di sản của Tràng An được tôn vinh tại UNESCO đã giúp cho du lịch Tràng An được quảng bá nhiều hơn trên thế giới thông qua nhiều kênh khác nhau. Ninh Bình sẽ thu hút thêm một lượng lớn khách du lịch lớn hơn đến với Tràng An nói riêng và Ninh Bình nói chung.

Sau khi được công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, ít nhất từ nay đến hết năm các hình ảnh của Tràng An được UNESCO công nhận, vinh danh vẫn sẽ được báo chí truyền thông quốc tế quan tâm và đăng tải. Trên một số báo, tạp chí châu Âu như Buletin của Thụy Sĩ họ bầu chọn Ninh Bình là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam.

 Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 khu vực liền kề: Di tích Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận dựa trên các tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất-địa mạo; đảm bảo tính toàn vẹn và tính xác thực; bảo đảm thực thi đầy đủ việc bảo vệ, quản lý di sản.

“Dư âm của việc Tràng An được vinh danh vẫn khá nóng hổi trên cộng đồng báo chí, người đi du lịch. Và điều này vẫn mang lại hiệu ứng tốt cho việc quảng bá xúc tiến miễn phí cho du lịch Tràng An”, ông Mạnh cho biết.

Bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho biết: “Hiện tại, du lịch đang mang lại hàng nghìn công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương khu vực di sản. Chỉ riêng khu danh thắng Tràng An đã có 3.000 lao động là người dân địa phương, tính cả Tràng An, Tam Cốc có 2.534 người chèo đò”.

Bà Thanh cũng cho hay, người dân Ninh Bình từ cuộc sống khó khăn do đặc điểm vùng chiêm trũng, 1 năm chỉ có 1 vụ mùa không đủ ăn, nay đã có cuộc sống dễ chịu hơn nhờ nghề chèo đò, làm du lịch. Không tham gia trực tiếp làm du lịch, song cung cấp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm cho nhà hàng cũng thêm 1 nguồn thu cho người dân Ninh Bình. Nếu coi du lịch là 1 ngành kinh tế, thì Ninh Bình có nguồn tài nguyên  rất giàu có và phong phú.

Ngoài quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp, bao gồm cả di tích lịch sử Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Ninh Bình có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long trải dài trên 7 xã của huyện Gia Viễn, bảo tồn các loại linh trưởng ghi trong sách đỏ, Vườn quốc gia Cúc Phương; có nguồn tài nguyên nước khoáng giàu có tại Cúc Phương và Kênh Gà… đang được khai thác phát triển du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh.

Về tài nguyên nhân văn, tỉnh có 1.449 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt: cố đô Hoa Lư và Tràng An; làng nghề truyền thống phát triển du lịch thêu ren; lễ hội truyền thống chủ yếu vào mùa xuân…

Về ẩm thực, đặc sản, cơm cháy Ninh Bình là 1 trong 12 món ngon được công nhận đạt tiêu chí ẩm thực châu Á.

Năm 2013, tỉnh đón 4,5 triệu lượt khách vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó có 520.000 lượt khách quốc tế. 6 tháng đầu năm 2014 đón 3,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 660 tỷ đồng. Có thể nói du lịch cùng với công nghiệp đang là 2 ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu của địa phương.

Việc Tràng An được UNESCO vinh danh thực sự đã mở ra một cơ hội phát triển du lịch lớn chưa từng có đối với nơi đây. Mang đến một kỳ vọng thoát nghèo cho cư dân, từ đó phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương nơi đồng chiêm trũng.

Thách thức không nhỏ từ tăng trưởng du lịch “nóng”

Cần hướng tới chuyên nghiệp hơn, đó là điều du lịch Ninh Bình cần nỗ lực. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Việc có tên trên bản đồ du lịch thế giới cũng đồng thời mang lại thách thức cho du lịch Ninh Bình. Đó là sự đòi hỏi phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, bền vững, đòi hỏi hệ thống quản lý điểm đến tốt hơn, hoàn thiện dịch vụ, các khu đón tiếp tại các tuyến điểm du lịch. Bên cạnh những dịch vụ đã có, việc có thương hiệu và muốn thu hút khách du lịch quốc tế đòi hỏi địa phương phải bổ sung thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm mới.

Hiện nay, du lịch Tràng An nói riêng và Ninh Bình nói chung vẫn chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên đã có sẵn. Việc bố trí các tuyến điểm còn cũ mòn, chưa linh hoạt theo sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của khách. Ban Quản lý cũng chưa đưa ra thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí vào khu danh thắng. Khách sau khi tham quan xong thì hay về thẳng khách sạn hoặc di chuyển đến tuyển điểm khác. Thời gian ở lại lưu trú ít, dịch vụ để khách tiêu tiền cũng nghèo nàn. Do đó, dù lượng khách có đông lên nhiều lần thì phần thu giá trị gia tăng của Tràng An cũng sẽ không thể tương xứng với giá trị đã được vinh danh.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với Tràng An, Ninh Bình đó chính là đảm bảo sự phát triển du lịch từ di sản một cách bền vững. Khi lượng khách đến đông, ngoài tầm kiểm soát thì làm thế nào để giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sự nguyên vẹn cho di sản, giữ gìn cảnh quan, văn hóa, phong tục, nếp sống địa phương cũng là bài toán khó.

Điều này chính ông Mạnh cũng thừa nhận: “Khi lượng khách đến quá đông đông, du lịch phát triển nóng mà chúng ta không có cơ sở vật chất hoàn thiện, không có hệ thống quản lý quy trình quản lý đáp ứng yêu cầu quản lý lượng khách lớn thì chắc chắn di sản sẽ bị tổn hại”.

Ninh Bình với ưu thế là địa phương phát triển du lịch đi sau các địa phương khác, do đó phát triển du lịch của địa phương được quy hoạch rất nghiêm chỉnh và gọn gàng. Đây là điểm đến du lịch hiếm hoi ở phía Bắc vẫn giữ được vệ sinh sạch sẽ, không để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm. Không có ăn xin, trộm cắp, bán hàng rong tràn lan.

Tuy nhiên, hiện cả tỉnh mới đón khoảng 4,5 triệu lượt khách/năm. Tới đây, khi con số này tăng lên gấp nhiều lần nữa, việc duy trì được nguyên trạng môi trường cảnh, quan và an ninh trật tự thực sự là điều không đơn giản nếu tỉnh không có phương hướng kế hoạch xử lý ngay từ bây giờ.

Một thách thức khác mà Ninh Bình phải đối diện trong giai đoạn hậu vinh danh Unesco, đó là du lịch nơi đây phát triển dựa vào cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vậy phát triển như thế nào mà vẫn gắn được lợi ích của di sản với lợi ích cộng đồng mới là thực sự khó.

Hiện, cả Ninh Bình có 2.500 người chèo đò tại các tuyến điểm du lịch. Họ đều là những người nông dân sống trong khu vực di sản, hoặc xung quanh đó. “Song chính vì họ là những người nông dân, làm dịch vụ du lịch bán chuyên nghiệp, nhận thức có hạn nên ứng xử của người dân với di sản và khách du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Từ thái độ ứng xử đến cung cách phục vụ khách đều nghiệp dư chưa đươc đào tạo bài bản”, ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.

Do đó để phát huy được lợi thế di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới để phát triển du lịch, kinh tế xã hội, Ninh Bình phải làm du lịch chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ định hướng phát triển bền vững, phát huy  gắn với bảo tồn di sản, giá trị văn hóa. Chuyên nghiệp từ việc nhỏ nhất là thái độ ứng xử của người làm dịch vụ với du khách tới việc xây dựng sản phẩm du lịch phong phú có chất lượng. Đây chính là cơ hội lớn để tạo bước ngoặt cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của tỉnh, Ninh Bình cần chớp lấy và phát huy tối đa.

Nguồn VGP news