Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng

Theo Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, nguồn nước mặt tại nhiều tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện ô nhiễm nghiêm trọng do sự phát triển nhanh của các dự án công nghiệp và đô thị hóa.

– Ảnh minh họa

Kết quả quan trắc cho thấy nồng độ vi khuẩn E.coli tại các sông, ngòi, kênh, rạch ở ĐBSCL đã vượt quá mức cho phép 2-5 lần; nồng độ ammoniac và một số độc chất phát sinh từ hoạt động công nghiệp và nông nghiệp vượt 5-10 lần tiêu chuẩn cho phép.

Trước tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều công trình cấp nước máy được đầu tư nhưng không đủ phục vụ người dân. Hàng loạt các công trình cấp nước sạch nông thôn có quy mô phục vụ 50-100 hộ dân ra đời.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là các trạm cấp nước này đều sử dụng nguồn nước ngầm khiến nguồn nước ngầm đang bị cạn kiệt nhanh chóng. Điển hình, tại Cần Thơ, ước tính mỗi năm mực nước ngầm giảm khoảng 0,5m, thậm chí có nơi lên tới 0,7m.

Dự báo, trong vòng 5-10 năm tới, nếu nguồn nước ngầm tiếp tục bị khai thác quá mức, sẽ không còn nước ngầm để các trạm bơm hút nước cung cấp cho người dân.

Nguồn Chính phủ