Đình Trinh nữ

       Đình Trinh Nữ thuộc xã Hồng Khê, huyện Bình Giang (Hải Dương) thờ Hoằng công Nguyễn Uy, người có công đánh giặc Tống thời vua Lê Đại Hành.

Đình Trinh nữ, nơi thờ Hoằng công Nguyễn Uy

Đình Trinh Nữ là di tích lịch sử - văn hoá thuộc xã Hồng Khê, huyện Bình Giang (Hải Dương). Đình nằm tại thôn Trinh Nữ, nên nhân dân địa phương lấy tên thôn, đặt tên cho đình.
 
Làng Trinh Nữ có tên là làng Nứa, sở dĩ làng có tên là Trinh Nữ do vào thời Lê Trung Hưng, Làng Nứa có người con gái tên là Hoàng Thị Loan, xinh đẹp tuyệt trần, lại tam tòng tứ đức, được tuyển chọn làm cung phi. Vua thấy bà xinh đẹp, phúc hậu nên rất yêu quý, liền truyền lệnh về làng Nứa, cho phép làng đổi tên thành làng Trinh Nữ.
 
Đình làng Trinh Nữ thờ Hoằng công Nguyễn Uy. Ngài quê ở Nghệ An, là một trong năm anh em họ Nguyễn (hay còn gọi là năm anh em thánh Ngũ Lôi). Năm anh em họ Nguyễn tướng mạo người nào cũng đường hoàng, lẫm liệt, nhan rồng, cằm hổ, mắt sư tử, tiếng vang như chuông, diện mạo kỳ lạ khác hẳn người thường. Khi có giặc Tống đang nhòm ngó nước ta, vua Lê Đại Hành có hịch truyền đi để cầu hiền tài ra giúp nước.
 
Năm anh em họ Nguyễn là: Vân Lôi công, Tế công, Uy công, Hoằng công Nguyễn Uy và Linh Quang công. Các ông đến xin tuyển thí, vua thấy năm vị có tài văn võ liền vui mừng phong cho năm anh em chức Trung Hoa đại tướng quân. Các Công đi đánh thắng giặc trên sông Bạch Đằng và tiếp tục đuổi giặc đến sông Nghĩa Giang.
 
Do không có thuyền bè trên sông, các Công liền chặt cây ngô đồng bên bờ, hạ xuống làm thuyền qua sông đuổi giặc. Cây ngô đồng ra đến giữa sông bị nước cuốn trôi, năm Công đều hoá. Sau đó cây ngô đồng trôi theo dòng nước về đến sông Cầu Vở, thuộc tổng Lôi Khê hiện nay thì dừng lại. Năm làng trong tổng Lôi Khê thấy linh ứng liền xin vua cho được thờ phụng năm vị, trong đó đền Cầu Vở thờ người anh cả… Làng Trinh Nữ thờ vị thứ tư tên là Hoằng Công Nguyễn Uy.
 
Vua Lê Đại Hành thấy 5 anh em họ Nguyễn có công lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc Tống ra khỏi bớ cõi, liền sai sứ thần mang sắc phong về tổng Lôi Khê phong năm vị làm thượng đẳng phúc thần. Thưởng cho 800 quan tiền, 100 tấm lụa về cho lập đền thờ và niễn thuế cho năm làng trong 3 năm.

Cùng với sự phát triển của làng xã, đình Trinh Nữ được xây dựng từ khá sớm và được trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Theo ý kiến của những cụ cao niên trong làng thì đình xưa có kiến trúc kiểu tiền Nhất (-) hậu Đinh (J)  gồm đại bái 5 gian 2 dĩ, trung đình 3 gian và hậu cung 1 gian cổ kính. Đến năm 1952 đình bị  giải hạ để lấy vật liệu làm hầm phục vụ kháng chiến.
 
Năm 2003 thể theo nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương đã cho khôi phục lại đình  trên nền cũ với quy mô nhỏ gồm đại bái 3 gian 2 dĩ và 2 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép làm giả gỗ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng chung. Hiện tại di tích đình Trinh Nữ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân địa phương.
 
Dưới thời phong kiến, đình Trinh Nữ có nhiều kỳ lễ hội, nhưng quan trọng nhất là hai kỳ lễ hội kỷ niệm ngày sinh diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 2 và kỷ niệm ngày mất  của Thành hoàng làng vào ngày mùng 8 tháng 10 âm lịch. Trong đó lễ hội kỷ niệm  ngày sinh thần là lễ hội lớn. Những nét chính của lễ hội này:
 
- Ngày 15 mở cửa đình, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp, chồng kiệu, bao sái đồ thờ, dọn dẹp đường làng ngõ xóm, và làm lễ xin phép mở  lễ hội.
 
- Ngày 16 dân làng tập trung ra đình vào buổi sáng chuẩn bị 1 con lợn sống và 1 mâm xôi nén, làm lễ tế 3 tuần: 1 tuần hương, 1 tuần rượu và 1 tuần nước. Sau đó nhân dân tổ chức các trò chơi dân gian, tối hát chèo.
 
- Ngày 17 dân làng tổ chức rước chạ, từ xa xưa hai làng Trinh Nữ và Phú Đa kết nghĩa với nhau. Dân làng tổ chức rước từ đình ra đền Cầu Vở (nơi thờ người anh cả) thuộc thôn Lôi Khê, sau đó rước tiếp lên làng Phú Đa ăn chạ rồi lại rước về đình. Đoàn rước có bát bửu, bát âm, long đình, kiệu bát cống, sắc phong đi thành hàng từ đình ra đền Cầu Vở, tới đền thì dừng lại tế lễ. Sau đó rước tiếp về đình làng Phú Đa tế 3 tuần và tổ chức ăn bún bò rồi về đình, lại tiếp tục tế lễ đến tối. Trong lúc rước có 10 cụ mặc áo tế gọi là hội “Hò hoé”, các cụ đi một đoạn thì hò: “Chạ nhà ngươi như chồng, chạ nhà ta như vợ, hai chạ giao lân chi nghĩa” song lại đồng thanh “hò hoé”.  Đây là hình thức mang nét văn hoá truyền thống, lệ làng quy định con trai, con gái 2 làng không được lấy nhau; làng nào có công có việc thì làng kia phải tới giúp. Vào ngày 17 tháng 2 thì rước luân phiên năm nay làng này, năm sau làng kia.

 - Ngày 18 vào chính hội. Tại thôn Trinh Nữ có 4 giáp: Giáp Đông, Tây, Nam, Bắc, bô lão, dân làng đã tập trung ra đình từ ngay sáng sớm chuẩn bị lễ vật. Mỗi giáp có 1 con lợn 50 kg và 1 mâm xôi nén mang ra đình làm lễ tế, sau khi tế xong, giáp nào chia giáp ấy về hưởng lộc. Tối đến cả làng kéo nhau ra đình làm cỗ yến và tổ chức ăn uống. Cỗ yến gồm: 4 bánh giầy 10 cân, bánh su sê, bánh cốm, giò chả…
 
- Ngày 19 nhân dân tổ chức rước, đoàn rước bao gồm: có bát bửu, bát âm, long đình, kiệu bát cống, sắc phong và 1 con lợn sống đi thành hàng từ đình ra đền Cầu Vở (nơi thờ Đức Thánh Cả) tế lễ. Làng Trinh Nữ có trách nhiệm tổ chức hát chèo cho nhân dân và khách thập phương xem, đến 4 giờ chiều lại rước về.
 
- Ngày 20 là ngày tế dã đám, kết thúc lễ hội.
 
Trong những ngày lễ hội có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Vật, cờ người, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm, tối có hát chèo. Hoạt động lễ hội là sinh hoạt không thể thiếu được của nhân dân địa phương.
 
Di tích đình Trinh Nữ là một trong những dấu ấn lịch sử đặc biệt phản ánh quá trình đánh đuổi quân Tống ra khỏi bờ cõi thời vua Lê Đại Hành. Bảo tồn di tích đình Trinh Nữ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân xã Hồng Khê nói riêng và con người  xứ  Đông nói chung.
 
Xuất phát từ những nội dung giá trị nêu trên, ngày 1 tháng 11 năm 2005 UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 4981/QĐ- UBND, xếp hạng đình Trinh Nữ là di tich: Lịch sử- Văn hoá.