Điêu đứng, túng quẫn vì… phim mừng Đại lễ

      Theo cách ăn chia được nhà sản xuất Huyền sử thiên đô cho biết thì hiện phim này sau khi được lên sóng hết 42 tập lỗ hơn 40 tỷ. Cùng cách tính đó nếu Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long được phép lên sóng sẽ lỗ hơn 80 tỷ. Đương nhiên, hai nhà sản xuất trên bị rơi vào thế điêu đứng chỉ vì làm phim mừng Đại lễ.
Chỉ có một trường hợp ngoại lệ là Thái sư Trần Thủ Độ, làm phim bằng tiền ngân sách. Chẳng ai quan tâm lỗ lãi ra sao. Thế mới thấy, làm phim bằng tiền ngân sách vẫn là sướng nhất. Có chết, có khổ cũng chỉ là khổ mấy “anh” tư nhân!

Khi triển khai các dự án làm phim lịch sử mừng Đại lễ, rất nhiều hy vọng đươc các công ty tư nhân nhen nhóm. Lạc quan thì làm đi rồi xin hỗ trợ một phần kinh phí của Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Kém hơn thì phim làm ra cũng sẽ được các đài truyền hình nồng nhiệt cho lên sóng.

Nhưng sự thể không ai ngờ! Khi bao nhiêu phấn khởi, bao nhiêu tâm huyết và cả bao nhiêu đầu tư cho phim mừng Đại lễ lại dẫn họ đến con đường cùng: sự… túng quẫn.

Phim có số phận “đẹp” nhất vẫn lỗ vài chục tỷ đồng

Trước hết, xin nói về bộ phim được phép trình chiếu, tức là có được phần nào kinh phí bù đắp thu được từ phía nhà đài trả cho bằng tiền làm phim cũng như ăn chia tỷ lệ quảng cáo, Huyền sử thiên đô.

Để làm 42 tập của phần I phim này, Công ty Sao thế giới cho biết đã bỏ ra hơn 60 tỉ đồng (chi phí khoảng 1,5 tỉ/tập phim), phần nhiều dành cho khâu trang phục, bối cảnh, đạo cụ, giám sát việc thực hiện phim,…

Điêu đứng, túng quẫn vì… phim mừng Đại lễ
 

Nói về tình hình thu vốn của phim này, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: “Giai đoạn đầu chưa đạt yêu cầu nhưng đến tập thứ 11 thì quảng cáo tương đối nhiều. Theo tôi được biết thì trung bình khoảng 800 triệu đồng/tập. Người ta bỏ 1,5 tỉ đồng sản xuất mỗi tập phim, khi phát sóng lại phải nộp cho đài 40% doanh thu từ quảng cáo mỗi tập, tức là họ chỉ thu về hơn 400 triệu một chút. Như vậy là lỗ chắc rồi. 45 phút mỗi tập phim chỉ được 10 phút quảng cáo thì cách gì cũng không thu lãi được”.

Vẫn là Nguyễn Mạnh Tuấn kể tiếp: “Điều đáng nói là từ tập 12 đến sau đó quảng cáo đã sụt xuống vì thông tin Huyền sử Thiên đô sẽ dừng phát sóng ở tập 20 để chiếu phim Đường tới thành Thăng Long. Các nhà quảng cáo không theo phim này nữa vì họ không bao giờ ký quảng cáo một vài tập. Thêm một lý do nhạy cảm nữa là khi biết phim này sắp ngắt phát sóng thì họ sẽ chuyển sang ký với phim mới. Họ không cần biết lý do mà sẽ nghĩ rằng chắc phim này có vấn đề nên họ không quảng cáo nữa. Chính vì vậy phim chưa dừng phát sóng mà nhà sản xuất đã thất thu rồi”.

Có thể thấy với cách tính toán của VTV, thì sau 42 tập, số tiền Công ty Sao thế giới thu về không thấm tháp gì so với con số hơn 60 tỷ đồng bỏ ra. Họ đang cầm cự với số lỗ lên tới hơn 40 tỷ đồng cho phần đã được phép lên sóng của Huyền sử thiên đô. Dù là có nguồn tài trợ từ phía các đơn vị có tâm với chuyện làm phim lịch sử và có tâm với lịch sử đất nước, và cho dù là làm phim có mục đích khác để quảng bá doanh nghiệp, nhưng nhìn con số lỗ trên cũng chẳng ai dám nghĩ tới chuyện… cứ làm đi để rồi rơi vào cảnh cùng quẫn vì nợ nần.

Điêu đứng, túng quẫn vì… phim mừng Đại lễ
 

Bà Phạm Ái Vân - Chủ tịch HĐQT Cty Sao thế giới cho biết: về góc độ vật chất, thì “việc thu hồi đủ số vốn bỏ ra, coi như vô vọng”. Đến nay Huyền sử thiên đô còn khoảng 35 tập phim (30 tập kịch bản) chưa được triển khai. Phía Công ty Sao thế giới rất tâm huyết với dự án này. Họ đã kêu gọi rất nhiều nguồn tài chính. Bà Phạm Ái Vân cho biết: “Huy động vốn làm phần II phim là một bài toán khó, vì Huyền sử thiên đô không thuộc dòng phim thương mại, không lấy quảng cáo bù cho chi phí làm phim được”.

Còn biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn tỏ ra bi quan khi được hỏi về số phận của 30 tập kịch bản còn lại của ông: “Khả năng không sản xuất là 99%. Ngay cả khi phát hết 42 tập thì nhà sản xuất cũng không dám làm tiếp nữa vì giỏi lắm họ cũng chỉ thu về được 50% vốn. Phim làm ra mà không được chiếu thì càng không dám làm”.

Điêu đứng, túng quẫn vì… phim mừng Đại lễ
 

Đường tới Thành Thăng Long: Nan giải hơn gấp bội!

Chuyện với Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long còn đau đầu và nan giải nhiều hơn gấp bội chuyện mà Huyền sử thiên đô gặp phải. Ngay từ khi tung trailer phim lên mạng, chưa rõ “ngô khoai” ra sao… phim lập tức bị gắn mác… phim Tàu nói tiếng Việt. Chết tội phim được làm tại Trung Quốc, bối cảnh Trung Quốc, đạo diễn và đồng kịch bản cũng người Trung Quốc. Nhìn vào đó, người ta mặc nhiên gắn mác… phim Trung Quốc cho nó, không cần bàn cãi nhiều. Dù giải thích theo cách nào thì các nhà chức trách và đơn vị sản xuất vẫn không thuyết phục được dư luận và cả phía các cơ quan quản lý văn hoá cũng như phía đài truyền hình. Hoãn năm lần bảy lượt phim đến giờ vẫn đắp chiếu để đấy.

Tổng chi phí của phim này đã lên tới khoảng 109 tỷ. Làm một phép tính đơn giản, với 109 tỷ cho 19 tập phim, mỗi tập phim (với độ dài 45 phút phát sóng) tiêu tốn khoảng… hơn 5 tỷ. Mỗi phút phát sóng tương đương khoảng hơn 100 triệu. Nhìn vào con số này sẽ khiến cho tất cả những công ty quảng cáo và sản xuất phim ảnh ở Việt Nam… chóng mặt.

Chẳng có công ty nào dám đầu tư số tiền như thế cho một tập phim. Bởi trong lịch sử quảng cáo các phim Việt chiếu giờ vàng trên VTV3, Lập trình trái timBỗng dưng muốn khóc được cho là lập kỷ lục về doanh thu quảng cáo với khoảng 1,7 tỷ đồng/ 1 tập. Nếu cũng ăn chia theo tỷ lệ của Huyền sử thiên đô (cũng không thể khác được vì xưa nay VTV được tiếng là bắt chẹt các công ty mua sóng phim giờ vàng), 19 tập của Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long sẽ mang về khoảng gần 20 tỷ tiền quảng cáo. Tức là còn thiếu cỡ 80 tỷ của chi phí đã bỏ ra sản xuất bộ phim này (nếu như tính toán của nhà sản xuất đúng là 109 tỷ). Con số lỗ này khiến không ai không choáng váng!    
 
Trước câu hỏi “Mỗi đồng tiền đầu tư của doanh nghiệp đều được tính bằng lợi nhuận. Ông bỏ ra hơn 100 tỷ cho phim truyền hình Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, chắc hẳn không chỉ để chia tiền quảng cáo với nhà đài?”, ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty truyền thông Trường Thành - đơn vị sản xuất phim  cho biết:

“Chắc chắn. Chúng tôi muốn quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam. Khi thế giới biết đến Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam đều có lợi, trong đó có chúng tôi. Người Hàn Quốc từng thúc đẩy kinh tế bằng điện ảnh, tại sao chúng ta lại không? Chúng tôi sẽ bán bản quyền 19 tập phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long cho các nước bạn sau khi phim phát sóng tại Việt Nam”.

Điêu đứng, túng quẫn vì… phim mừng Đại lễ
 

Có thể thấy Trường Thành muốn làm một cú đột phá trong lĩnh vực phim ảnh khi bước chân lần đầu vào lĩnh vực này. Nhưng tâm huyết và cả mong muốn (không loại trừ những tham vọng) của công ty này đang bị giết dần giết mòn bởi phim không được lên sóng do áp lực của dư luận.

Mong muốn khẩn thiết nhất của phía Trường Thành lúc này không phải chuyện thu hồi vốn mà: “Ngay từ đầu, vấn đề lỗ lãi chúng tôi đã không đặt ra thì đến bây giờ, nó lỗ thế nào là điều tôi không còn quan tâm nữa. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi lúc này là được chứng minh với công chúng”, ông Sơn nói. Phía công ty này thậm chí còn tính đến cả phương án xấu nhất nếu như phim không có nhiều hợp đồng quảng cáo do chưa xem phim đã bị… tẩy chay.

Ông Trịnh Văn Sơn cho biết sẽ tiếp tục chờ đợi đến lúc nào phim được lên sóng mới thôi. Khi được hỏi, liệu phim có bị… tạm ngừng mãi mãi, ông Sơn khẳng định: “Không thể nào có chuyện đó. Tôi hiểu hiện VTV và cả khán giả đang phải chịu nhiều sức ép từ dư luận, nhưng chính vì những ý kiến đó mà khán giả đang phải xem phim ở… trên báo”.

Thái sư Trần Thủ Độ: Tiếp tục chờ!

Điêu đứng, túng quẫn vì… phim mừng Đại lễ
 
Trường hợp không được nhắc đến nhiều là chuyện của phim Thái sư Trần Thủ Độ. Đến nay, phim này chắc đã xong. Thông tin về phim cũng rất ít. Được biết một hội đồng nhiều thành viên đã được thành lập để thẩm định bộ phim Thái sư Trần Thủ Ðộ, gồm nhà giáo nhân dân - đạo diễn Lê Ðăng Thực, NSND Ðình Quang, GS sử học Lê Văn Lan, NSND - đạo diễn Bùi Ðình Hạc… Các thành viên khác là những cán bộ quản lý của UBND TP Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo ngành điện ảnh và lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội. Sau khi được duyệt và thông qua, phim theo kế hoạch sẽ được giao lại cho UBND TP Hà Nội tổ chức khâu phát hành.

Khi được hỏi bao giờ phim phát sóng và phát ở đâu, ông Nguyễn Trọng Tuấn - chánh văn phòng ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (ban chỉ đạo đã giải tán sau khi đại lễ kết thúc) - cho biết việc phát sóng phim như thế nào còn phải tiếp tục… chờ. Vì theo ông: “Về chủ trương, chúng tôi cũng muốn phim được phát trên sóng truyền hình trung ương nhưng hiện nay vẫn chưa liên hệ được.

Bởi thực chất việc lên sóng VTV cũng khó khăn, ngay như đối với phim Huyền sử thiên đô bên đài có xếp hết sóng cho ngay từ đầu đâu!”.

Trước thắc mắc số phận của bộ phim rồi sẽ đi về đâu, ông Trọng Tuấn quả quyết: “Chúng tôi vẫn quan tâm đến phim”. Thời gian gần đây hai diễn viên tham gia phim này là NSND Hoàng Dũng và Lã Thanh Huyền có chia sẻ là phim sắp được lên sóng nhưng đạo diễn Đào Duy Phúc, người làm phim này, ngày 25/10 vẫn quả quyết với VTC News, “ chưa nghe thông tin gì về việc phim sẽ được lên sóng”.

Điêu đứng, túng quẫn vì… phim mừng Đại lễ
 

Chuyện của Thái sư Trần Thủ Độ là câu chuyện khác của cảnh tung tiền chục tỷ ra làm phim. Khi được xác định là một trong những hạng mục chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, phim này được đầu tư rất nhanh chóng. Bởi so với số tiền hàng nghìn tỷ đầu tư cho các hạng mục trong dịp Đại lễ, số tiền 50 tỷ dường như là… chuyện nhỏ.

Trong khi các đơn vị tư nhân như ngồi trên đống lửa với việc phim của họ có được lên sóng hay không, lên sóng ra sao và lúc nào thì ngược lại hình như không có mấy ai tỏ ra nóng lòng cho Thái sư Trần Thủ Độ lên sóng.

Đại lễ đã qua, việc phim này “sống chết ra sao” giờ sẽ là điều… không biết đâu mà lần. Bởi thực tế, đây là sản phẩm của UBND Thành phố Hà Nội. Đơn vị chủ quản này có lẽ cũng đang có phần lúng túng với việc xử lý số phận của bộ phim. Bởi đây có lẽ là lần đầu tiên UBND Thành phố Hà Nội đặt hàng và nhận một bộ phim làm sản phẩm cho riêng mình.

Chuyện điêu đứng vì tiền bỏ ra làm phim là không có với Thái sư Trần Thủ Độ, thế mới thấy, làm phim bằng tiền ngân sách vẫn là sướng nhất. Có chết, có khổ cũng chỉ là khổ mấy “anh” tư nhân!