Dấu hiệu mềm hóa quan hệ liên Triều

Hãng tin Yonhap ngày 16-8 dẫn lời một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc đã chính thức đề nghị Triều Tiên tổ chức đối thoại vào tuần tới về vấn đề đoàn tụ gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Đây là một trong số những dấu hiệu cho thấy quan hệ liên Triều đang có những tiến triển tích cực sau giai đoạn căng thẳng kéo dài vừa qua.

Theo đề nghị của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cuộc đối thoại về vấn đề đoàn tụ gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23-8 tới, tại làng đình chiến Pan Mun Chơn (Panmunjeom) và đề xuất này đã được chuyển tới Triều Tiên ngay trong ngày 16-8.

Đại diện của Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tay sau khi đạt được thỏa thuận về việc tái mở cửa Khu công nghiệp Kê-xâng ngày 15-8. Ảnh: chosun.com

Trước đó một ngày, trong bài phát biểu nhân Ngày Quốc khánh Hàn Quốc, Tổng thống nước này Pắc Cưn Hê (Park Geun-hye) đã kêu gọi Triều Tiên “mở lòng” và nhất trí tổ chức một cuộc gặp vào tháng tới cho những gia đình bị ly tán nhiều thập kỷ qua, đồng thời xây dựng Công viên Hòa bình trong Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới.

Trong cuộc chiến tranh 1950-1953, hàng triệu người dân trên Bán đảo Triều Tiên đã bị ly tán. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện có khoảng 72.000 người Hàn Quốc, trong đó gần một nửa đã ngoài 80 tuổi, vẫn đang chờ đợi cơ hội tham gia chương trình đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, mỗi chương trình chỉ hạn chế khoảng vài trăm người cao tuổi tham gia. Không những thế, chương trình này cũng đã bị gián đoạn suốt mấy năm qua. Cuộc đoàn tụ gia đình gần nhất giữa hai miền diễn ra vào tháng 11-2010 trong vỏn vẹn vài ngày.

Trên thực tế, tháng trước, Triều Tiên cũng đã đề xuất tiến hành đàm phán về việc nối lại chương trình đoàn tụ gia đình ly tán cùng với việc thảo luận về Khu công nghiệp Kê-xâng. Thế nhưng, đề nghị này đã bị Bình Nhưỡng rút lại sau khi Hàn Quốc cho rằng hai vấn đề trên nên được giải quyết một cách riêng biệt.

Bên cạnh đó, vài ngày qua cũng đã xuất hiện nhiều động thái cho thấy quan hệ liên Triều đang ấm dần và mang hướng hợp tác hơn. Điển hình là việc Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc (KRC) ngày 16-8 cho biết đang có kế hoạch sử dụng 100.000USD trong quỹ khẩn cấp để viện trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên bị lũ lụt. Một quan chức KRC cho biết, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã đề nghị Hàn Quốc tham gia hoạt động viện trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên đang gặp khó khăn do thiên tai. Nếu không có gì thay đổi, số tiền nói trên sẽ được KRC chuyển cho IFRC qua tài khoản ngân hàng vào tuần tới.

Mưa lũ gây ngập lụt kéo dài từ đầu tháng 7 vừa qua tại Triều Tiên đã làm 33 người thiệt mạng, 2 người bị thương và 18 người mất tích. Hiện Triều Tiên có 4000 gia đình bị mất nhà cửa và khoảng 50.000 người phải chuyển chỗ ở. Từ đầu tháng 8, IFRC đã viện trợ khoảng 320.000USD để hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở Triều Tiên và kế hoạch viện trợ của tổ chức này dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 năm nay.

Tuy nhiên, trong hàng loạt những tín hiệu vui đối với quan hệ liên Triều gần đây, có thể thấy việc Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí khôi phục hoạt động Khu công nghiệp chung Kê-xâng sau hơn 4 tháng đóng cửa là điều đáng mừng nhất. Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê đã nhấn mạnh rằng sự kiện này có thể khởi đầu “một mối quan hệ liên Triều mới” sau nhiều tháng căng thẳng.

Với vai trò là khu công nghiệp chung, thu hút nhiều doanh nghiệp và lao động của cả hai miền, mỗi năm Kê-xâng đều mang lại một nguồn thu ngân sách và cung cấp việc làm đáng kể cho Hàn Quốc và đặc biệt là Triều Tiên. Chính vì vậy, việc hai bên nhất trí mở cửa trở lại khu công nghiệp được coi là biểu tượng hòa bình này đã cho thấy quan hệ giữa Xơ-un và Bình Nhưỡng đã tạm bước qua thời kỳ căng thẳng và có thể hướng tới một tương lai hòa bình, yên ổn hơn.