Đất nở hoa trên quê hương cách mạng

       Đô Lương (Nghệ An) – mảnh đất không chỉ được biết đến với cuộc binh biến của lính khố xanh do Nguyễn Văn Cung (tức Đội Cung) lãnh đạo chống lại thực dân Pháp mà còn là nơi buôn bán sầm uất, tấp nập với cảnh “trên bến, dưới thuyền” một thời. Người Đô Lương thông minh, năng động, nhanh nhạy với cơ chế thị trường đang từng ngày làm cho đất nở hoa trên quê hương giàu truyền thống cách mạng…

Sáng tinh mơ! Thị trấn Đô Lương “bị” đánh thức từ rất sớm bởi nhịp sống hối hả của ngày mới. Phố thị nhộn nhịp với cảnh buôn bán, những công nhân ở Khu công nghiệp thị trấn cũng dậy sớm hơn lo toan cho con cái để kịp giờ vào ca sản xuất. Những người thợ làng nghề làm bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức nhanh thoăn thoắt bên lò than rực lửa cho ra lò những mẻ bánh để kịp đóng gói xuất hàng theo những hợp đồng mới. Tượng đài chiến thắng Đô Lương sừng sững, khí phách hiên ngang, như bản hùng ca về tinh thần anh hùng của đất và người xứ Lường. Trong không gian ấy chúng tôi cảm nhận được âm vọng hào khí của truyền thống quê hương cách mạng với những con người cần cù, sáng tạo, đang đêm ngày xây dựng nên những làng mạc trù phú, sôi động; tạo nên hình, nên dáng của phố thị. Đồng chí Trương Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho biết:

– Trong chiến tranh người Đô Lương đã không quản hy sinh xương máu để chiến thắng kẻ thù vun đắp nên truyền thống Đô Lương anh hùng. Và hôm nay, trong “cuộc chiến” chống đói nghèo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện dù còn nhiều cam go, gian khổ nhưng chúng tôi quyết tâm đẩy lùi và nhanh chóng cho quá trình đô thị hóa, hướng tới năm 2015 hội tụ đầy đủ điều kiện đưa huyện nhà trở thành thị xã.

Tượng đài binh biến Đô Lương và một góc thị trấn Đô Lương hôm nay.

Khởi động cho quá trình đô thị hóa, Đô Lương đã đề ra chính sách “5 hóa” (Công nghiệp hóa nông nghiệp; Lục hóa đất trồng đồi núi trọc; Nhựa hóa, bê tông hóa giao thông, thủy lợi; Xã hội hóa giáo dục và kế hoạch hóa gia đình; Phổ cập hóa phương tiện thông tin nghe nhìn). Bước đầu chính sách “5 hóa” ở Đô Lương đã thu được những thành tựu đáng kể. Suy nghĩ làm sao để quê hương đổi mới đi lên đã ngấm sâu vào máu, thịt và suy nghĩ của mỗi người dân nơi đây, tạo nên sức mạnh xuyên suốt trong từng việc làm. Trong hướng đi ấy, bài toán khó nhất là thu hút các nhà đầu tư về với Đô Lương đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra lời giải. Ba khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các xã Lạc Sơn, Thượng Sơn và thị trấn Đô Lương hình thành đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Chúng tôi có mặt ở Khu công nghiệp Lạc Sơn (với tổng giá trị đầu tư là 11,6 triệu đô-la) khi nhà đầu tư là Công ty Prex Vinh thuộc Tập đoàn Ki Do (Hàn Quốc) đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị máy móc. Trên diện tích 20ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả nay đã hình thành khu công nghiệp hoành tráng, giải quyết việc làm cho khoảng 4000-4.500 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Hiện tại Công ty Prex Vinh đã tuyển chọn, đào tạo nghề cho 1.500 người lao động. Khi Khu công nghiệp Lạc Sơn chính thức đi vào hoạt động thì lực lượng lao động này sẽ là nguồn thợ chính của công ty. Anh Võ Văn Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương tâm sự:

– Để thu hút các nhà đầu tư về Đô Lương, huyện có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Thí dụ ở Khu công nghiệp thị trấn Đô Lương được quy hoạch 7,5ha. Lúc đầu công tác giải phóng mặt bằng khó khăn bởi thiếu vốn. Trước thực trạng ấy, huyện đã chủ động bỏ ra 50% số tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy khu công nghiệp được hình thành nhanh chóng, thu hút 13 doanh nghiệp đầu tư, đi vào hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Nếu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là gam màu mới và chiếm 44% tỷ trọng nền kinh tế thì nông nghiệp vẫn là gam màu chính, chủ đạo của bức tranh kinh tế huyện Đô Lương. Chính cách làm năng động, liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” nên Đô Lương đã xuất hiện nhiều cánh đồng cho thu nhập cao. Tân Sơn là xã điển hình với mô hình cánh đồng cho thu nhập 90 triệu đồng/héc ta/năm. Với diện tích quy hoạch 7,2ha trồng 3 vụ (thay vì canh tác thuần túy 2 vụ lúa/năm), xã Tân Sơn tiến hành cải tạo, san ủi mặt bằng, xây lắp đường điện để phục vụ cho tưới tiêu, quy hoạch lại hệ thống đường xá, mương máng. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xã ra quy chế hỗ trợ như: Miễn thủy lợi phí, cấp 100% tiền giống, ni-lon phủ lạc, cam kết nếu thất thu so với trồng lúa 2 vụ như trước đây thì sẽ đền bù 50% theo giá thời điểm…. thưởng cho các xóm mỗi xóm 1 triệu đồng nếu chuyển đổi thành công. Những chính sách mạnh dạn của địa phương đã làm thay đổi tư duy người nông dân. Năm đầu tiên, cánh đồng ở Tân Sơn đã mang thắng lợi lớn về cho người nông dân với tổng thu nhập cả 3 vụ đạt 180 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, 1ha cho thu nhập bình quân 98 triệu đồng. Gặp anh Nguyễn Bá Đạo ở xóm 9 trên cánh đồng với những thửa ruộng dưa hấu, bí xanh mơn mởn, anh phấn khởi khoe:

– Trước đây khi chưa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cũng trên cánh đồng này gia đình tôi chỉ trồng độc canh cây lúa, sản lượng thu được 2,5-3 tạ/sào, cả hai vụ thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/sào, nay thu nhập đã gấp 5 gấp 6 lần.

Hay ở xã Lưu Sơn – một trong những địa phương được chọn xây dựng nông thôn mới cũng rất thành công với mô hình chuyển đổi sản xuất 2 vụ lên 3 vụ/năm, cho thu nhập từ 80 đến 120 triệu đồng/héc-ta/năm.

Về Đô Lương hôm nay bộ mặt nông thôn đã khởi sắc toàn diện; 100% đường giao thông liên xã được nhựa hóa, 98% giao thông thôn xóm đã bê tông hóa; Thu nhập bình quân đầu người có bước nhảy vọt từ 11 triệu đồng/người/ năm (năm 2005) lên hơn 23 triệu đồng (năm 2011)… Với những gì được chứng kiến, chúng tôi ghi nhận niềm tự hào chung của người dân nơi đây: Đô Lương là quê hương mở màn và chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, đồng thời cũng là xứ sở mà con người biết làm cho đất nở hoa.