Cúm gia cầm diễn biến phức tạp

       Cúm A/H5N1 đang xuất hiện tại nhiều địa phương. Mặc dù vậy, trong báo cáo mới nhất của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, đến ngày 10/2, cả nước không có tỉnh nào công bố dịch cúm A/H5N1.

Dịch diễn biến phức tạp

Các đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Ngãi vừa tiêu hủy đàn vịt gần 1.500 con tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ sau khi có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1.

Những ngày gần đây, các tỉnh cũng liên tục thông báo dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhà như Đắk Lắk, Nam Định, Cà Mau, Quảng Trị, Bắc Ninh.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, tỉnh này vừa tổ chức tiêu hủy hơn 30 con ngan và gần 400 con vịt tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn sau khi phát hiện hai ổ dịch cúm gia cầm. Đắk Lắk đang chỉ đạo ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, không để dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng.

Tại Nam Định, ngày 9/2, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định đã phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 với 100 con ngan và 400 con vịt đẻ. Xã đã phun hóa chất, khử trùng trên toàn địa bàn đồng thời tiêm vaccine phòng cúm gia cầm tại 5 xã lân cận nhằm bao vây, không chế dịch. Xã cũng yêu cầu nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn.

Được biết, Nam Định có khoảng 6 triệu con gia cầm trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Giao Thủy và chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn là phổ biến tại đây.

Thực trạng này càng gây quan ngại hơn bởi trong năm 2013, kết quả kiểm tra của Cục Thú y cho biết, có tới 61% số mẫu gia cầm trên cả nước có dương tính với virus H5N1.

Trong khi đó, các tỉnh biên giới phía Bắc cũng đang nằm trong diện “nguy cơ cao” do diễn biến dịch cúm H7N9 phức tạp tại Trung Quốc làm hàng chục người chết.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho hay, trên 17.000 mẫu xét nghiệm tuy chưa phát hiện ra virus H7N9 nhưng nguy cơ nhiễm là rất cao vì đang ở thời điểm giao mùa, thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát.

Chưa kể, trước và sau dịp Tết Nguyên đán, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm nhỏ lẻ cũng tăng mạnh là nguyên nhân dịch bệnh lây lan diện rộng.

Không ăn thịt gia cầm ốm, chết

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tuy vậy, báo cáo mới nhất của Cục Thú y tới ngày 12/2 mới chỉ có thông báo về dịch bệnh tới 2 ngày trước đó- 10/2 và trong báo cáo này, Cục khẳng định, cả nước không còn tỉnh nào công bố có dịch Cúm gia cầm.

Cục này khuyến cáo, khi có hiện tượng gia cầm ốm, chết nghi cúm gia cầm hoặc không rõ nguyên nhân phải báo cáo nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia cầm theo quy trình chăn nuôi.

Người dân cần thực hiện tốt “6 không”: Không nuôi thả rông gia cầm; Không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết; Không ăn thịt gia cầm ốm, chết; Không được giấu dịch; Không ăn tiết canh gia cầm; Không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường.

Về những biểu hiện gia cầm mắc bệnh cúm, Cục Thú y cho hay, gia cầm chết đột ngột hàng loạt với tỷ lệ cao trong đàn; gia cầm chảy nước mắt, nước dãi, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất, khó thở, phù đầu và mặt, ỉa chảy rất nặng…

Cục Thú y lưu ý người nông dân chỉ mua gia cầm ở những cơ sở giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không có bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác…

Liên quan tới dịch cúm, mới đây, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ dự án với kinh phí 800.000 USD nhằm giúp Việt Nam giảm các mối đe dọa y tế cộng đồng từ đại dịch cúm và cúm gia cầm (API), cùng các dịch bệnh truyền nhiễm mới khác (EIDs)./.

Nguồn Tổ quốc