Công bố 11 Luật, 1 Nghị quyết và 1 Pháp lệnh

Sáng 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 Luật, Nghị quyết, 1 Pháp lệnh vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì họp báo
(Ảnh: Kim Thanh)

Cụ thể, các Luật, Nghị quyết và Pháp lệnh được công bố gồm: Luật Thú y; Luật Mặt trận Tổ quốc; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Ngân sách nhà nước; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.

Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Luật gồm 9 chương với 62 điều. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, Luật đã quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng. Luật cũng bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng. Đồng thời, để đảm bảo cho công dân chủ động chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ; Tạo điều kiện cho địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch gọi công dân nhập ngũ hàng năm. Luật đã quy định cụ thể thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng hai hoặc tháng ba hàng năm…

Giới thiệu Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật có 10 chương 81 điều. Nội dung cơ bản của luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; quy định cụ thể kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, và quy định chi tiết về ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển…

Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt giới thiệu
nội dung cơ bản của Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính
sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động (Ảnh: KT)

Trình bày nội dung cơ bản của Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt khẳng định, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương, 143 điều điều chỉnh các vấn đề về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. So với luật năm 2003, luật đã bổ sung quy định về đơn vị hành chính và thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát huy quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân ở địa phương, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước./.

Nguồn ĐCSVN