Cầu nối doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu

Kinh tế châu Âu thời gian qua đối mặt với không ít khó khăn, tác động không nhỏ đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp Việt kiều tại lục địa già. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu là sự kiện được tổ chức thường niên (bắt đầu từ năm 2006) với mục đích trở thành nơi kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở châu Âu tìm kiếm cơ hội hợp tác, góp phần phát triển lớn mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều. Diễn đàn lần thứ 10 năm nay được tổ chức tại thủ đô Budapest, Hungary, từ ngày 16 đến ngày 18-9 với chủ đề: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU): Cơ hội, hợp tác và phát triển.

Một nhóm đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 10. Ảnh: NGUYỄN MINH HẠNH

Một số hãng tin, như RFI của Pháp, cho hay khoảng 250 đại biểu và khách mời từ hơn 20 nước châu Âu và trên thế giới, trong đó có cả những doanh nhân đến từ Việt Nam, đăng ký tham gia diễn đàn năm nay. Đặc biệt, trong diễn đàn lần thứ 10 này, lần đầu tiên có sự liên kết với doanh nghiệp Việt kiều trẻ thông qua sự hiện diện của Liên hiệp Doanh nhân trẻ Việt Nam tại châu Âu (EViYBA) mới thành lập 3 năm nay. Tổ chức này đặt mục tiêu tiếp nối, duy trì và kế thừa những kinh nghiệm của thế hệ doanh nhân đi trước với tư duy và cách làm việc mới của thế hệ trẻ, sở hữu những kiến thức và lợi thế về ngôn ngữ và hội nhập. Đây là nét gạch nối quan trọng cho tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều ở châu Âu bởi đã qua cái thời người ta ví von là “nền kinh tế chợ” của người Việt ở châu Âu. Đó là khoảng thời gian mà hàng hóa còn khan hiếm do thị trường vẫn bị ảnh hưởng của lối sản xuất và phân phối theo kế hoạch, bà con người Việt dù là tiểu thương hay buôn bán lớn có rất nhiều cơ hội để tiêu thụ những mặt hàng chất lượng vừa phải, nhiều khi theo lối “mua đầu chợ bán cuối chợ” rất thô sơ và chưa đòi hỏi phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Kinh doanh ở châu Âu giờ đây là đất diễn cho những ai có trình độ, khả năng thay đổi, sáng tạo và cạnh tranh. Nhờ EU thống nhất khiến việc liên kết giữa các nhóm doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn, và các công ty còn có thể tận dụng sự hỗ trợ của EU trong kinh doanh.

Liên hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu có sự tham gia của giới doanh nhân Việt kiều Đông và Tây Âu. Cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều ở Đông Âu và Liên Xô cũ thực chất mới chỉ hình thành sau năm 1989 nên còn tương đối non trẻ, sự hội nhập ở mức chưa thật cao, các doanh nhân sinh sống tương đối tập trung, đa số thường lập cửa hàng bán buôn, bán lẻ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp may mặc, giày dép, chế biến ẩm thực, thực phẩm… Trong khi đó ở Tây Âu, đa số Việt kiều đã nhập tịch, phần đông hội nhập như người địa phương, sinh sống và hoạt động rải rác. Chủ yếu họ làm việc tại các cơ quan, công ty sở tại như những chuyên viên, chuyên gia, ít doanh nghiệp thuần túy theo mô hình Đông Âu. Nếu có thì quy mô thường là vừa và nhỏ (nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, công nghệ thông tin, văn phòng luật, bác sĩ…).

Sự khác biệt trong tư duy, cũng như cung cách làm việc, kinh doanh đó khiến trong những năm đầu, sự hợp tác giữa giới doanh nghiệp đôi bên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, thời gian về sau, Việt kiều Đông và Tây Âu đã xích lại gần nhau hơn rất nhiều thông qua những kỳ diễn đàn hàng năm, và sự kết nối, chung lòng này cũng được coi là kết quả lớn của 10 năm hoạt động Liên hiệp hội.

Một trong những khả năng, cầu nối giữa 2 cộng đồng doanh nghiệp, có thể là những doanh nhân trẻ, trưởng thành tại Đông Âu, Tây Âu và Nga, có mẫu số chung là trình độ học vấn cơ bản. Đa số tốt nghiệp đại học, thông thạo ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin tốt và có khả năng sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại. Với ước muốn, khát vọng chung là tìm định hướng nghề nghiệp, cơ hội thực tập, thích học hỏi, trao đổi kiến thức, mở rộng quan hệ quốc tế và suy nghĩ sáng tạo, đột phá, giới doanh nhân trẻ có cách thức làm việc, tư duy và nhu cầu khác với các thế hệ đi trước. Không chỉ là cầu nối, thế hệ doanh nhân này còn có kỳ vọng tiếp nối và duy trì các hoạt động của cha, anh.

Nguồn Báo SGGP Online