Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với tình trạng sạt lở

Để bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng nhân dân, phòng tránh thiên tai gây hại, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư hỗ trợ di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, đồng thời xây dựng nhiều công trình đê bao, bờ kè hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

 Một khu dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở do mưa lũ (Ảnh: K.V)

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, rút kinh nghiệm đối phó với tình hình sạt lở trên hệ thống sông ngòi, kinh rạch và tuyến đê bao nhiều năm liền, chính vì vậy, việc chủ động di dời nhà cửa hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ bị thiên tai là giải pháp khả thi, thuận lợi cho bà con.

 

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Pháp, việc di dời là giải pháp ít tốn kém nhiều chi phí nhưng mang lại lợi ích lâu dài là tạo cho người dân sống ổn định tại vị trí an toàn hơn, đồng thời tạo được cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp hai bên bờ sông, dòng chảy cũng được thông thoáng, giảm bớt tình trạng cản trở lũ và cản trở giao thông.

Được biết, trong năm 2014 này, tỉnh Tiền Giang đầu tư trên 20 tỉ đồng để hỗ trợ cho hơn 1200 hộ dân di dời chỗ ở đến nơi an toàn. Cùng với triển khai kế hoạch di dời, bố trí tái định cư cho bà con đang sống trên vùng bị sạt lở và nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, Tiền Giang cũng đang khảo sát, điều tra nắm lại thực trạng sạt lở trên mạng lưới sông ngòi, kênh rạch để có biện pháp đối phó một cách thích hợp, mang lại hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sống ven đê, ven kênh rạch tích cực trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình nhằm phòng chống sạt lở và gây bồi, bảo vệ hệ thống đê điều. Trong năm 2013, tỉnh Tiền Giang cũng đã đầu tư 4 tỷ đồng hỗ trợ 223 hộ dân di dời ra khỏi các vùng sạt lở, tạo điều kiện tốt để bà con an tâm sinh sống và sản xuất.

Tại Long An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của địa phương này vừa phối hợp với huyện Thủ Thừa khởi công xây dựng công trình bờ kè chống sạt lở, bảo vệ thị trấn Thủ Thừa. Công trình có chiều dài gần 3.000m với tổng mức đầu tư hơn 243 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia. Quy mô thiết kế công trình gồm cao trình đỉnh kè, trên đỉnh kè có lan can bảo hiểm, dưới chân kè gia cố thảm đá, kết cấu kè, tường chắn sử dụng cừ bê tông cốt thép dự ứng lực. Phía trên có vỉa hè rộng từ 2,6m đến 11m, lát gạch, bồn hoa, cây xanh, đồng thời, tại đây cũng được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước dọc và hệ thống thoát nước ngang kênh.

Kênh Thủ Thừa là tuyến kênh nối liền giữa hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nên chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn của những con sông này, đồng thời, kênh Thủ Thừa cũng là tuyến đường thủy quan trọng, nối liền các tỉnh phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long tới thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình khai thác, sử dụng do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xả lũ từ sông Tiền về, lòng kênh và hai bờ kênh Thủ Thừa đã bị xói mòn, sạt lở lớn. Có những đoạn sạt lở tận nhà dân, công trình công cộng hoặc phá hủy.

Việc xây dựng bờ kè kênh Thủ Thừa có ý nghĩa quan trọng kết hợp tạo cảnh quan, chỉnh trang kiến trúc đô thị, từng bước cải tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, tạo điều kiện phát triển văn hóa, thương mại-du lịch. Đồng thời, xây dựng các bến bãi, đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa, rút ngắn quãng đường thủy hàng chục km giữa các tỉnh khu vực Đồng bằng cửu long tới thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, công trình thi công trong 15 tháng và sẽ hoàn thành vào tháng 5/2015.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, từ đầu năm 2013 đến nay tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh có tăng ở mức độ nhẹ, các khu vực đã cảnh báo tuy không xảy ra sạt lở mới nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trong thời gian tới. Trong đó có bốn đoạn sông cảnh bảo mức độ đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở cao và mức độ ảnh hưởng và thiệt hại lớn, cần có giải pháp ngăn chặn ngay và hạn chế thiệt hại do sạt lở xảy ra, gồm đoạn xã Bình Mỹ thuộc huyện Châu Phú, đoạn phường Bình Đức – Bình Khánh – Mỹ Bình, thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên, đoạn xã Phú An, thuộc huyện Phú Tân và đoạn xã Châu Phong, thuộc thị xã Tân Châu.

Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đã đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan có giải pháp khảo sát chi tiết và đề xuất giải pháp hạn chế sạt lở thích hợp cho từng đoạn sông, cùng với đó các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai ngay các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, vận động, di dời người dân trong đoạn sông cảnh báo đến nơi an toàn.

Các phòng, ban và Uỷ ban nhân dân cấp xã, thị trấn thường xuyên thông báo diễn biến sạt lở trên địa bàn qua hệ thống truyền thông của địa phương, tăng cường công tác vận động, khuyến cáo người dân di dời ra khỏi vùng cảnh báo sạt lở, ở những đoạn đường sạt lở phải hạn chế sự lưu thông của các phương tiện có trọng tải lớn, thường xựyên theo dõi và kịp thời báo cáo các diễn biến bất thường có thể dẫn đến sạt lở. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến sáu đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm.

Là một trong những huyện của Cà Mau thường xuyên bị hiện tượng sạt lở đe dọa, để hạn chế tối đa thiệt hại do sạt lở gây ra, Ban Thường vụ Huyện uỷ Phú Tân đã ban hành Chỉ thị số 08 về việc bảo vệ, duy tu kè chống sạt lở các công trình giao thông đường bộ. Qua 2 năm thực hiện, chủ trương này đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Hơn 500 km đường giao thông bằng bê tông và 426 cây cầu được đưa vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong những năm qua đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Trong hơn 262 tỷ đồng xây dựng cầu, lộ nông thôn trên địa bàn huyện trong thời gian qua, có khoảng 40% do nhân dân đóng góp.

Các địa phương của huyện Phú Tân đã tích cực triển khai phát động bà con tự giác thực hiện việc sửa chữa đường, kè chống lở các tuyến đường đi qua phần đất của mình. Tuỳ vào khả năng thực tế của từng gia đình mà thực hiện việc duy tu và kè chống lở một cách hợp lý. Trong đó, huy động sức dân và sử dụng vật liệu tại chỗ ở địa phương là chính. Từng hộ gia đình có trách nhiệm bảo vệ tuyến đường đi qua gia đình mình.

Hơn hai năm qua, toàn huyện Phú Tân đã sửa chữa và kè chống lở được hơn 145 nghìn m đường thuộc 93 tuyến liên ấp, từ xã xuống ấp, huyện xuống xã và liên xã. Trong đó, sửa chữa hơn 20 nghìn m đường bê tông bị hư hỏng và làm bờ kè hơn 125 nghìn m để bảo vệ các tuyến lộ ven sông. Có gần 15 nghìn m bờ kè bằng bê tông, 55 nghìn m kè bằng cây gỗ địa phương và trồng cây chống lở hơn 55 nghìn m. Với cách làm sáng tạo như kè chống sạt lở bằng cây gỗ kết hợp với trồng mắm, đước, dừa nước chống sạt lở rất phù hợp với điều kiện của bà con nơi đây, cho thấy, chống sạt lở bằng cách này tốn ít chi phí nhưng mang lại hiệu quả lâu dài, và nhất là bảo vệ được môi trường sinh thái, cũng như giữ được cuộc sống ổn định cho các hộ dân nơi đây./..

Nguồn ĐCSVN