Các ngành, các địa phương chủ động đối phó hoàn lưu bão số 4

       Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 24-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,0 độ vĩ bắc; 108,4 độ kinh đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 220 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

         

               Tàu thuyền vào tránh bão ở đảo Cát Bà (Hải Phòng). Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG  

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi trên đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó đi vào vùng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Ðến 22 giờ ngày 25-7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,0 độ vĩ bắc; 104,2 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh vùng núi phía bắc. Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh Bắc Bộ, có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.

Do ảnh hưởng mưa của hoàn lưu bão số 4, khu vực Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông Thao, Lô, Gâm, thượng lưu sông Cầu, Thương, Lục Nam, hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng ở mức báo động I đến báo động II, có nơi trên báo động II. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội chịu ảnh hưởng điều tiết của các hồ thủy điện nhưng còn dưới mức báo động I. Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên các sông, suối miền núi các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang…

Trước tình hình diễn biến của cơn bão số 4, Bộ Công thương vừa có công điện khẩn yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; các Tập đoàn: Ðiện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chuẩn bị và triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của cơn bão, cụ thể: yêu cầu các sở công thương kiểm tra lượng dự trữ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm cung ứng đủ và kịp thời đến người dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ khi có yêu cầu; tăng cường quản lý thị trường, không để tư thương lợi dụng bão, lũ để tăng giá, ép giá…

Ðề nghị EVN, TKV Vinachem, Petrolimex chỉ đạo, kiểm tra các công trình trong vùng ảnh hưởng của bão để có phương án xử lý an toàn.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa gửi công điện đến các sở GD và ÐT các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng thuộc các tỉnh phía bắc từ Thanh Hóa trở ra, nhất là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh miền núi phía bắc khẩn trương đối phó với cơn bão số 4. Theo đó, bộ yêu cầu các sở, nhà trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh hiệu quả, có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.

Ngày 24-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư đã có văn bản chỉ đạo các địa phương phía bắc cần tập trung tiêu thoát nước để bảo vệ lúa. Các địa phương ven biển theo dõi sát diễn biến cơn bão; phối hợp chặt chẽ với biên phòng tuyến biển, kiểm đếm nắm chắc số tàu, thuyền; cung cấp thông tin bão và kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền đang hoạt động trên biển trú, tránh bão.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP), tính đến ngày 24-7, BÐBP các tỉnh đã đôn đốc, phối hợp chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và các lực lượng thông báo, hướng dẫn 34.046 tàu, thuyền, lồng bè/123.420 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn thành lập năm đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, những vùng ven sông, ven suối, vùng thấp trũng bị chia cắt… có phương án chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tại các huyện: Ðình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Ðịnh và TP Lạng Sơn, cử cán bộ xuống các vị trí xung yếu, trực tiếp chỉ đạo khi có tình huống xảy ra.

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra hiện tượng gió lốc kèm theo mưa lớn, đã gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của nhân dân. Theo thống kê ngày 23 và 24-7, tỉnh đã có 204 nhà dân, 17 công trình phúc lợi xã hội và hơn 760 ha hoa màu đã bị thiệt hại. Tại Nam Ðịnh, ngày 23-7, một trận lốc xoáy bất ngờ ập đến các xã Xuân Phú, Xuân Ðài và Xuân Tân, huyện Xuân Trường làm 49 nhà tốc mái, trong đó sáu nhà bị tốc mái hoàn toàn. Lốc xoáy đã làm một người bị thương, đứt dây điện và hư hại hoa màu, lúa mới cấy của nhân dân.

Tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến 13 giờ ngày 24-7, toàn bộ hơn 11 nghìn phương tiện tàu, thuyền trên địa bàn đã về nơi tránh trú bão neo đậu an toàn; toàn bộ các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, các nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn đã tổ chức chằng chống an toàn. Sở Giao thông vận tải đã cho rà soát, kiểm tra hệ thống cầu cảng, bến cảng; các tuyến giao thông trọng điểm, thực hiện khơi thông cống rãnh thoát nước, gia cố hệ thống cầu cống, đặc biệt là những cầu cống vừa mới thi công để bảo đảm không bị sạt lở, hỏng hóc trong mưa bão, bảo đảm giao thông thông suốt. Ðồng thời lên phương án điều động 50 xe, bảo đảm việc ứng cứu sự cố, di dân, sơ tán dân khi có điều động của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã phối hợp hiệp đồng với các lực lượng tham gia cứu nạn khác bố trí lực lượng, phương tiện gồm tàu, thuyền, xuồng cứu nạn tham gia ứng cứu sự cố. Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng mọi phương án đối phó diễn biến của cơn bão. Huyện Móng Cái đã thông báo, kêu gọi tàu, thuyền và ngư dân, lao động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 4. Huyện Móng Cái hiện có 1.258 tàu, thuyền khai thác trên biển. Ðến nay, toàn bộ số tàu, thuyền nói trên đã được đưa vào vị trí neo đậu an toàn. BÐBP tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng đã tổ chức tổng duyệt chương trình cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Tỉnh Bắc Cạn đã có cuộc họp khẩn cấp, đề ra các giải pháp cần thiết ứng phó với hoàn lưu cơn bão số 4, đặc biệt là mưa dông, nguy cơ sạt lở tại các điểm dân cư và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ rất cao. Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Phú Thọ ra công điện đề nghị các huyện và thành phố, thị xã, các sở, ngành trong tỉnh thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm tạo thế chủ động, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo dự báo, tại Phú Thọ sẽ có mưa vừa, mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to, nên người dân cần đề phòng lũ quét, lũ ống xảy ra.

Theo Bộ Chỉ huy BÐBP Hải Phòng, tính đến chiều ngày 24-7, BÐBP Hải Phòng đã phối hợp cùng các cơ quan, địa phương kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho 4.469 phương tiện, lồng bè với 14.232 lao động trên khu vực biển chủ động phòng, chống bão số 4. Trong đó, có 4.141 phương tiện, lồng bè với 13.599 lao động đã về neo đậu tại bến an toàn; một số ít phương tiện hoạt động ven bờ đang di chuyển về đất liền tránh, trú. Sở Giao thông vận tải đôn đốc các đơn vị trong ngành, chủ phương tiện, cảng bến thủy nội địa thực hiện phòng, chống bão và chuẩn bị vật tư, xe máy, phương tiện sẵn sàng bảo đảm giao thông, phục vụ di dân theo kế hoạch. Ban Chỉ huy PCLB thành phố Hà Nội đã có công điện yêu cầu các địa phương chủ động đối phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất lợi của thiên tai. Theo đó, các cấp, các ngành tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 4; rà soát, kiểm tra các vị trí xung yếu, các công trình đang thi công, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện chủ động đối phó kịp thời với mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời.

Thường trực Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình đã thành lập các đoàn trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác chống bão. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp các huyện ven biển kêu gọi hơn 1.400 tàu, thuyền, với 3.085 lao động có phương án tránh, trú bão an toàn. Ngay khi nhận được chỉ đạo, tỉnh Thanh Hóa đã thông báo, đưa hơn tám nghìn tàu, thuyền và 28.490 lao động của tỉnh đang khai thác hải sản trên biển vào nơi trú đậu an toàn. Ðể bảo đảm tiến độ sản xuất, tỉnh cũng đã đặt mục tiêu gieo trồng 175.500 ha cây trồng các loại, phấn đấu đạt sản lượng lương thực hơn 750 nghìn tấn trong vụ mùa 2012. Toàn tỉnh dự kiến sẽ kết thúc gieo trồng vụ mùa trong tháng 7. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có hơn 200 phương tiện tàu, thuyền với gần 1.200 lao động vào trú tránh tại các cảng cá, âu thuyền kín gió. Tỉnh Quảng Nam hiện còn gần 400 tàu với hơn bốn nghìn lao động đang đánh bắt trên các vùng biển gần bờ và xa bờ, trong đó chủ yếu là ở vùng biển Trường Sa. Tất cả các tàu cá đều đã nhận được thông tin về đường đi của bão số 4 để tìm nơi trú bão an toàn. Theo Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 phương tiện với 11.219 lao động hoạt động trên biển. Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp các gia đình sử dụng máy ICOM cộng đồng tại các địa phương thường xuyên thông báo diễn biến tình hình cơn bão, đồng thời duy trì thông tin liên lạc với tất cả các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động phòng, tránh bão. Do chủ động phương tiện và nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai cho nên đến nay, phần lớn ngư dân các tỉnh miền trung đã nhận được thông tin về đường đi của bão số 4 để chủ động phòng tránh.

Do bị hỏng máy, tàu cá mang số hiệu QB-92897-TS đã trôi dạt trên vùng biển ngoài khơi Ðà Nẵng, trên tàu có bảy thuyền viên được tàu mang số hiệu QB-93827-TS, trên tàu có chín thuyền viên lai dắt. Tuy nhiên, do thời tiết trên biển phức tạp cho nên cả hai tàu gặp nguy hiểm. Nhận được tin báo, ngày 24-7, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (đóng tại Ðà Nẵng) đã lai dắt hai tàu bị nạn nói trên cùng 16 thuyền viên đưa vào bờ an toàn.

Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của bão số 4 có thể gây ra cho sản xuất lúa, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố phía bắc tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích mạ còn lại, mạ dự phòng, đồng thời chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích mạ trên đến ngày 5-8 để kịp thời cấy, dặm lại những diện tích lúa bị ảnh hưởng do mưa bão gây ra. Các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, trước mắt theo dõi chặt chẽ cơn bão số 4 để có biện pháp ứng phó kịp thời.