Cả nước đã có 16 tỉnh xuất hiện dịch cúm gia cầm

Chiều 19-2, thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, cả nước đã xuất hiện tới 64 ổ dịch tại 16 tỉnh và thành phố gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long. Trong đó, các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long là những địa phương vẫn đang phát hiện ổ dịch mới, cho thấy dịch đang lây lan nhanh.

Cụ thể, tại Cần Thơ từ ngày 16-2 đến 19-2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại phường Trường Lạc thuộc quận Ô Môn và phường Long Hòa thuộc quận Bình Thủy làm 500 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 700 con. Còn tại Vĩnh Long, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi thuộc 7 xã của 3 huyện là Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn và cả thị xã Bình Minh, làm 5.705 con gia cầm mắc bệnh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 12.942 con.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, qua theo dõi cho thấy dịch cúm gia cầm không chỉ có nguy cơ lây lan từ gia cầm thải loại từ Trung Quốc mà còn có nguy cơ cao do lây lan từ khu vực biên giới Tây Nam. Do đó, các tỉnh ở ĐBSCL cũng cần tích cực ngăn chặn dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng xác nhận 2 trường hợp mắc bệnh cúm A/H5N1 đều đã tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Kết quả giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ mẫu vịt (+) với virus cúm A/H5N1 gần 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện virus A/H5N1 trên 61%. Ngoài ra, virus cúm A/H5N1 tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

* Ngày 19-2, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tiêu hủy hơn 650 con gia cầm bị dương tính với virus cúm gia cầm H5N1.

Trước đó, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã xuất hiện tình trạng gia cầm ốm chết tại thôn 5 của xã Cẩm Quang và thôn Bắc Hòa của xã Cẩm Hòa. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lấy các mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng 3 để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm (H5N1).

* Chiều 19-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 2 điểm bị nhiễm cúm gia cầm, gồm: hộ chăn nuôi do ông Nguyễn Năng Hòa làm chủ ở ấp 6, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ với đàn gà thịt 49 ngày tuổi trên 3.200 con và hộ chăn nuôi của ông Trần Văn Dần ở ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom với 5.000 con gà Tam Hoàng 62 ngày tuổi. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, tổng số gà chết tại 2 hộ nói trên là gần 7.500 con, với kết quả xét nghiệm bị nhiễm cúm H5N1. Toàn bộ số gia cầm này đều nhập giống từ địa phương khác và nguyên nhân phát dịch là do chưa thực hiện tiêm phòng. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, UBND huyện Cẩm Mỹ đã tăng cường 4.000 liều vaccine cho 2 xã thuộc vùng uy hiếp và phun 400 lít hóa chất để khử trùng cho 4 xã vùng đệm. Trong khi đó chính quyền huyện Trảng Bom cũng nhanh chóng khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm để kịp thời xử lý.

*  Tại tỉnh Quảng Ngãi, đến ngày 19-2 đã xuất hiện 5 ổ dịch cúm gia cầm tại 3 huyện là Đức Phổ, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành. Trước nguy cơ dịch lây lan nhanh, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã cấp hơn 600.000 liều vaccine ngừa cúm A/H5N1 cho các địa phương, đồng thời trưng dụng 10.000 lít hóa chất được trung ương cấp hồi cuối năm ngoái để dập dịch. Từ nay đến giữa tháng 3, Quảng Ngãi sẽ hoàn thành tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho khoảng 1 triệu con gia cầm.

* Ngày 19-2, ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình cho biết, một trang trại ở vùng hẻo lánh huyện Bố Trạch bị dịch cúm gia cầm H5N1 tấn công.

Trang trại trên của gia đình ông Trần Văn Sơn (43 tuổi), trú tại thôn Cù Lạc 2, xã Sơn Trạch, nằm hẻo lánh trong núi, biệt lập với bên ngoài, được đầu tư cơ sở vật chất khang trang nhưng bị dịch cúm H5N1 tấn công. Hiện hơn 2.300 con gia cầm của ông Sơn đã bị tiêu hủy, các công tác dập dịch đã được khoanh vùng triển khai.

* Ngày 19-2, ngành chức năng quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết, đàn vịt chạy đồng khoảng 300 con tại phường Trường Lạc có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 và đang tiến hành cho tiêu hủy, phun thuốc sát trùng; kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm tại vùng có dịch.

Theo ông Phạm Văn Chưởng, Chủ tịch UBND phường Trường Lạc, đàn vịt này hơn một tháng tuổi của ông Đinh Văn Quí (ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền), từ ngày 17-2 đã chạy đồng sang khu vực Tân Thạnh, phường Trường Lạc đang thu hoạch lúa đông xuân và bắt đầu chết mấy ngày qua. Trong khi đó, tại xã Tân Thới đã xuất hiện tình trạng vịt chạy đồng chết với những triệu chứng cúm gia cầm, nhưng người nuôi không thông báo cho chính quyền địa phương biết và vẫn cho vịt chạy đồng…

Nguồn SGGP