Ca mắc cúm A (H9) đầu tiên ở nước ta: Khó kiểm soát ổ dịch

Ngày 7-4, liên quan đến ca mắc cúm A (H9) đầu tiên ở Việt Nam có liên quan tới gia cầm, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo y văn thế giới, các chủng cúm gia cầm có kháng nguyên H5, H7 và H9 có thể lây sang người.

Trong đó H5 là chủng độc lực cao thường gây ổ dịch lớn và làm chết gia cầm hàng loạt, khi lây nhiễm sang người gây triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong rất cao; còn H7 và H9 là chủng độc lực thấp thường gây bệnh nhẹ, hiếm khi gây chết hàng loạt cho gia cầm. Kết hợp với các chủng này là các phân tuýp kháng nguyên N từ 1 đến 9. Sự kết hợp, tái tổ hợp kháng nguyên H và N có thể tạo ra nhiều loại cúm gia cầm lây nhiễm sang người.

Hiện tại trên thế giới, virus cúm gia cầm ghi nhận trên động vật còn có các chủng H5N1, H5N6, H5N8, H7N9, H9N2 nhưng chủ yếu vẫn là H5N1, H7N9 và H9N2.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tại Việt Nam từ trước tới nay chủ yếu là cúm A (H5N1) trên người nên với việc phát hiện ca mắc cúm A (H9) đầu tiên trên người đòi hỏi cần phải cảnh giác hơn vì các chủng virus cúm rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc độc lực cao hơn, lây lan nhanh và triệu chứng nặng hơn.

Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đến nay cúm gia cầm trên người vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ tử vong rất cao, tới 50%. Đồng thời, thế giới đã xác định được nhiều chủng cúm lây sang người như A (H5N6), A (H5N1), A (H5N8), A (H9)… “Việc lưu hành đồng thời nhiều chủng virus cúm gia cầm và với sự lây lan sang động vật có vú là yếu tố đáng quan ngại, có thể khiến dịch bệnh cúm gia cầm trên người gia tăng, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan”, TS Đức cảnh báo.

Nguồn SGGP