Bộ Y tế Lào tìm hiểu mô hình thả muỗi mang Wolbachia tại Tp. Mỹ Tho

(THTG) Ngày 23-8, Đoàn cán bộ Chương trình Muỗi thế giới, cùng lãnh đạo Bộ Y tế Lào đã đến tham quan, tìm hiểu mô hình thả muỗi mang Wolbachia tại Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Bo y te Lao

Bo y te Lao 3

Bo y te Lao 4

Các thành viên trong đoàn tìm hiểu mô hình thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại khu vực phường 4, Tp. Mỹ Tho. Ảnh: Anh Tuấn

Dự án nuôi muỗi Wolbachia do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện tại Tp. Mỹ Tho Tiền Giang, cùng đoàn đến tham quan, tìm hiểu mô hình thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại khu vực phường 4, Tp. Mỹ Tho và có những chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện cho đoàn.

Theo quản lý Dự án, qua 23 tuần triển khai hoạt động thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia ở 8 phường của thành phố Mỹ Tho, đã có tổng số 2.611 điểm thả muỗi. Kết quả xét nghiệm muỗi đến tuần thứ 20 sau thả muỗi, tỷ lệ muỗi nhiễm Wolbachia đạt tỷ lệ 43%. Đánh giá của Dự án là tỷ lệ muỗi nhiễm Wolbachia tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Qua làm việc, Giáo sư Camerson Simmons, Giám đốc triển khai toàn cầu Chương trình Muỗi thế giới đánh giá cao nỗ lực thực hiện dự án tại Tiền Giang, cũng như kết quả bước đầu của dự án mang lại. Theo đó, bước đầu Dự án Thả muỗi mang Wolbachia thực hiện tại thủ đô Viêng Chăn Lào và những kinh nghiệm đã được trao đổi, chia sẻ tại Tiền Giang sẽ góp phần thực hiện tốt dự án tại Lào thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, Wolbachia là một loài vi khuẩn tự nhiên, có mặt trong khoảng 60% các loài côn trùng, bao gồm một số loài quen thuộc như ruồi giấm, bướm, chuồn chuồn. Phương pháp Wolbachia là đưa vi khuẩn vào muỗi vằn nhằm khống chế sự lan truyền một số loại bệnh do muỗi vằn gây ra như sốt xuất huyết, Zika, chikungunya và sốt vàng da.

Muỗi vằn mang Wolbachia sẽ được thả ở những điểm nóng của dịch bệnh thông qua các hộp thả muỗi được treo trong khu dân cư. Khi được thả, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ kết đôi với muỗi tự nhiên tại địa phương. Theo thời gian, số lượng muỗi mang Wolbachia sẽ tăng dần cho tới khi lượng muỗi mang Wolbachia đủ nhiều mà không cần phải thả thêm.

Thanh Xuân