Bộ Tư pháp phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày 31/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Hội nghị phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp năm 1992.
(Ảnh: TH)

Trong năm 2013, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp là hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan thường trực giúp Chính phủ, HĐND và UBND các cấp trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 11/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 17/1/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có Quyết định số 84/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Việc tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Bộ Tư pháp xác định là một nội dung quan trọng, thiết thực của việc thực hiện “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp”.

Tại Hội nghị, ngoài việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với những nội dung trọng tâm, những vấn đề sửa đổi, bổ sung trong chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa học, công nghệ và môi trường; bộ máy Nhà nước…, các cán bộ, công viên chức ngành Tư pháp đã được hướng dẫn cách thức lấy ý kiến, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, chú trọng đến những nội dung liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp và trên cơ sở việc lấy ý kiến cần được đảm bảo tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Các ý kiến đóng góp cần được tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và phản ánh kịp thời. Không để các đối tượng xấu và các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp.

Thông qua hội nghị này, Bộ Tư pháp hướng đến việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự địa phương đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành tư pháp, tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.