Bỉ kêu gọi tăng cường hợp tác chống khủng bố tại châu Âu

Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders kêu gọi tăng cường hợp tác tại châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời hy vọng một “sự thay đổi tâm lý” sau các cuộc tấn công đẫm máu ở Paris (Pháp).

 

 Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders kêu gọi tăng cường đoàn kết chống khủng bố tại châu Âu.
(Ảnh: AFP)

Trả lời phỏng vấn của hãng AFP ngày 16/11, ông Reynders nêu rõ cần truy tìm tất cả các phần tử, dù cho chúng ở đâu, tại Pháp, Bỉ hay ở nơi nào khác tại châu Âu, bởi vì cần phải biết gốc rễ của những thủ phạm gây ra các hành động khủng bố ở Paris và cách thức mà chúng tiến hành.

Theo Tổng thống Pháp Francois Hollande, cuộc điều tra về các vụ tấn công đẫm máu khiến 129 người thiệt mạng đã cho thấy các nhánh quốc tế của cuộc tấn công “được quyết định, lên kế hoạch tại Syria, được tổ chức tại Bỉ” và “tiến hành cùng với những kẻ đồng lõa người Pháp”.

Ngoại trưởng Bỉ cho biết ông mong muốn và kêu gọi tăng cường hợp tác từ nhiều năm nay, trong Liên minh châu Âu cũng như trong NATO, để có thể trao đổi ngày càng nhiều thông tin giữa các đơn vị. “Tôi hy vọng rằng sau tất cả các vụ tấn công này, những thảm kịch này, sẽ có một sự thay đổi về tinh thần” – ông Reynders nhấn mạnh.

“Thật không may, chúng ta đã biết, châu Âu ngày càng phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng bất ngờ. Khi không có một thảm kịch, khi không có một thảm họa, người ta có xu hướng ngần ngại vượt qua những thử thách trong quá trình xây dựng châu Âu” – nhà ngoại giao Bỉ lưu ý. “Kiểm soát các biên giới bên ngoài, trao đổi thông tin, trong đó có thông tin nhạy cảm giữa các quốc gia, điều đó cần phải được tiến hành ngày càng nhiều tại châu Âu”.

Trong bối cảnh khi Bỉ là trung tâm của cuộc điều tra, ông Didier Reynders sẽ tham dự cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Nội vụ và Pháp luật châu Âu vào ngày 20/11 tới đây tại Brussels. “Tôi hy vọng sẽ có các biện pháp cụ thể. Tôi nghĩ tới các giải pháp về kiểm soát biên giới bên ngoài, cũng như các trao đổi dữ liệu về người di chuyển” – ông cho biết.

Liên quan tới cuộc điều tra, Ngoại trưởng Bỉ đánh giá “ưu tiên, đó là một tinh thần đoàn kết hoàn toàn với nước Pháp”. Theo ông Reynders, một sự hợp tác tốt hơn giữa châu Âu sẽ cho phép chấm dứt sự tồn tại của một số lượng lớn các phần tử nổi dậy. “Chúng ta có thể làm điều đó thông qua các cuộc điều tra, đáng buồn là sau khi những hành động này đã xảy ra. Vào những thời điểm khác, chúng ta có thể làm điều đó để dự phòng như là những gì chúng ta đã làm hồi đầu năm nay ở Verviers (Đông) và tại Brussels để hoàn toàn phá bỏ các nhánh khủng bố xuất hiện tại lãnh thổ” – Ngoại trưởng Bỉ lưu ý.

Tuy nhiên, ông đánh giá rằng không thể “sống trong tình huống rủi ro khi chứng kiến những gì xảy ra trên thế giới”. Theo Ngoại trưởng Bỉ, nếu các nước châu Âu không trao đổi thông tin, không sẵn sàng làm việc cùng nhau, không ngăn chặn những hành động tương tự thì châu Âu cũng cần phải làm việc cùng nhau và cố gắng theo dõi các nhánh khủng bố, loại bỏ các tổ chức khủng bố xuất hiện trên lãnh thổ.

“Những gì chúng ta phải làm, đó là xem xét làm thế nào để kiểm soát tốt nhất các đường biên giới bên ngoài khu vực, và điều đó cần có vai trò của EU” – nhà ngoại giao Bỉ đánh giá. “Chúng ta sẽ có thể phân chia những người tị nạn trên toàn châu Âu, nhưng chúng ta cũng sẽ có thể xác định họ đến từ đâu, họ là những người như thế nào, sự xuất hiện của họ có gây nguy hiểm hay không”.

 Nước Pháp tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố đẫm máu khiến 129 người thiệt mạng
(Ảnh: Reuters)

 

Trong khi đó, phát biểu ngày 16/11, 3 ngày sau khi diễn ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết sẽ tăng thêm 5.000 nhân viên trong lực lượng an ninh, tăng thêm 2.500 nhân lực làm việc trong các nhà tù của Pháp và sẽ không giảm chi tiêu quốc phòng cho đến trước năm 2019. Tổng thống Pháp cũng cho biết sẽ yêu cầu Quốc hội kéo dài thời hạn lệnh báo động khẩn cấp trên cả nước mà ông công bố ngày 13/11 vừa qua lên 3 tháng nhằm tạo điều kiện cho lực lượng an ninh Pháp tìm và bắt giữ những kẻ tình nghi.

Trong một diễn biến có liên quan khác, phát biểu tại Thổ Nhĩ Kỳ khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20, ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã coi vụ tấn công khủng bố ở Paris là “khủng khiếp và đáng ghê tởm”. Tuy nhiên, ông Obama khẳng định các cuộc không kích bởi liên quân do Mỹ đứng đầu vẫn đạt được những kết quả nhất định.

Cùng ngày, Thư ký báo chí của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà AshLee Strong đã tuyên bố cho biết Giám đốc FBI James Comey và Bộ trưởng DHS Jeh Johnson sẽ có báo cáo trước Hạ viện nước này vào tối 17/11 (giờ địa phương) theo yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Trong khi đó, các Thượng nghị sĩ Mỹ sẽ nghe báo cáo vào chiều 18/11. Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cùng ngày nhận định vụ khủng bố Paris không phải là một sự kiện đơn độc và những kẻ tấn công có thể còn đang mưu toan thực hiện các vụ tấn công khác./.

Nguồn SGGP