Bắt đầu lấy ý kiến dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.

Bắt đầu từ ngày 2/1, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.  

Xây dựng Hiến pháp là việc hệ trọng nhất trong các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 16/11/2012. Do vậy, Hiến pháp phải do nhân dân bàn thảo và quyết định. Nói cách khác, nhân dân phải là chủ thể của quyền lập hiến. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, hiện nay, hơn 100 quốc gia trên thế giới quy định bắt buộc phải đưa dự thảo Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp  ra trưng cầu ý dân trước hoặc sau khi Quốc hội thông qua. Còn PGS-TS Nguyễn Viết Thông- Tổng thư ký Hội đồng lý luận TW, ủy viên Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết: Hiến pháp năm 1992 đã tái xác lập quyền của công dân biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý . Tuy nhiên, trong thực tế, quyền dân chủ trực tiếp quan trọng này của công dân chưa được cụ thể hóa thành luật và chưa được thực hành trong đời sống chính trị của đất nước. PGS-TS Nguyễn Viết Thông nói: “ Việc sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng nhưng nhân dân lại chưa có quyền quyết định. Thực tế, bản Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo quy định: dân có quyền phúc quyết Hiến pháp nhưng Hiến pháp hiện hành lại không có quy định ấy. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung lần này dù chưa thể đưa ra toàn dân phúc quyết nhưng Nghị quyết TW2 đã khẳng định, phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Ông Phạm Tiến Thông, quận Hai Bà Trưng:

Tôi tin tưởng chín quyền ta càng vững mạnh thì hiến pháp càng cải tiến, càng hiện đại và càng thể hiện đúng nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Tôi cũng chờ bởi đợt này được lấy ý kiến rộng rãi và có tính chất khoa học hơn”

Lần lấy ý kiến này, bắt đầu từ hôm nay và kết thúc ngày 31/3. Tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đều có thể tham gia đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ông Vũ Trọng Kim- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cho biết, nhằm triển khai sớm nhất đợt sinh hoạt chính trị này, ngay trong ngày mai (3/1), MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tiếp đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với nội dung, hình thức phong phú, phát huy cao nhất trí tuệ của các tầng lớp nhân dân.

Ông Vũ Trọng Kim nói: “Chúng tôi thực hiện dân chủ rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân có thể tham gia đầy đủ vào bản Hiến pháp sửa đổi lần này. Trên tinh thần đó, tôi nghĩ rằng vai trò phát huy quyền làm chủ của nhân dân sẽ được làm đến cơ sở để các tầng lớp nhân dân tham gia lần này dân chủ, rộng rãi và tham gia có trách nhiệm. Sau này, khi bản Hiến pháp được thông qua thì mỗi người dân đều có nghĩa vụ thực hiện tốt bản Hiến pháp, phấn đấu đưa đất nước lên tầm cao mới trong xây dựng CNXH”.

Ông Vũ Văn Dũng, quận Hoàn Kiếm:

“Vấn đề này lấy ý kiến nhân dân rộng rãi rất tốt vì nó thể hiện dân chủ, cởi mở và thể hiện nguyện vọng của người dân có cuộc sống tốt lên”.

Sau khi bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp được công bố trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, nhân dân có thể cho ý kiến về toàn bộ dự thảo, với các nội dung quan trọng như chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, bảo vệ Tổ quốc, bộ máy nhà nước… Mặc dù không phải người dân nào cũng có thể hiểu và đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp nhưng họ rất hoan nghênh chủ trương trưng cầu dân ý lần này.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tham gia thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Quốc hội kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.