Bảo tồn và phát huy điệu Hò Đồng Tháp

Ở tỉnh Đồng Tháp, hiện có hơn 300 người có thể hò và viết lời mới cho Hò Đồng Tháp, mang lại sức sống mới cho điệu hò Đồng Tháp xưa. Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đang sưu tầm nhằm bảo tồn và phát triển loại hình dân ca độc đáo này.

Khẳng định giá trị là loại hình di sản văn hóa phi vật thể

Ồng Nguyễn Đình Tô, Cán bộ Bảo tàng Đồng Tháp cho biết: Hò Đồng Tháp có những đặc trưng riêng mà không điệu hò nào ở Nam bộ có được. Mỗi bài hò thường chia 3 phần hơi khá rõ: từ tầm trung đến thấp nhất, từ tầm cao đến tầm trung, tầm thấp nhất đến tầm cao… nối với nhau chặt chẽ. Đặc trưng nhất, Hò Đồng Tháp chỉ hò một mình, không có hình thức đối đáp. Đó là tâm tình, là tự sự của con người về tình duyên, về số phận, những buồn vui cuộc đời. Cũng có khi có bài hò để… phê phán, lên án những cái ác, cái xấu. Phản ánh mọi mặt của đời sống nên nội dung của Hò Đồng Tháp vô cùng phong phú. Đó là điệu hò của các mẹ, các chị tiếp tế lương thực nuôi quân trong kháng chiến chống Pháp.v.v.

Nghe câu hò Đồng Tháp giữa đồng sen bát ngát tại Gáo Giồng.
Ảnh: dantri.com.vn 

Hò Đồng Tháp có 3 thể loại: Hò cấy, Hò huê tình, Hò khoan. Từ một đứa trẻ lên 5 cho đến một cụ già 70 – 80 tuổi đều có thể hát lý, hò… Cái hay của nó là gắn với công việc hàng ngày của người dân, họ có thể vừa đi cấy, đi cày vừa hát, hay những đêm trăng, trẻ em vui chơi ở sân đình làng cũng đem điệu lý ra hát với nhau. Đồng Tháp là vùng đất sen hồng thơ mộng và lãng tử. Đất và người Đồng Tháp chân chất, mạnh mẽ, khẳng khái nhưng thuần khiết như hồn sen. Với điều kiện tự nhiên là một miền quê sông nước và bề dày lịch sử văn hóa truyền thống rất đỗi nhân văn. Nơi đây đã sản sinh ra hàng trăm điệu lý câu hò sâu lắng, mênh mang thấm đậm tình đất, tình người. Đặc biệt giá trị văn hóa phi vật thể trong vùng đó là điệu Hò Đồng Tháp nổi tiếng vang bóng một thời trên diễn đàn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Hò Đồng Tháp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, góp phần làm cho phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ và đều khắp, phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa- văn nghệ của nhân dân. Hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng.

Sưu tầm- Nghiên cứu- Phục hồi điệu Hò Đồng Tháp

Thời gian qua, đã có nhiều đợt khảo sát, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về điệu Hò Đồng Tháp. Năm 1994 nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang cùng các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp tiến hành sưu tầm, nghiên cứu điệu Hò Đồng Tháp. Năm 2010, tỉnh Đồng Tháp đã nghiệm thu công trình khoa học “Sưu tầm- Nghiên cứu- Phục hồi điệu Hò Đồng Tháp” do các nhạc sĩ Cao Văn Lý và Nguyễn Kim Cúc thực hiện. Tuy nhiên, trong tỉnh hiện nay số người biết hò đúng điệu Hò Đồng Tháp và số nghệ nhân giỏi nghề, chơi đúng bài bản, phong cách nhạc tài tử không nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do môi trường diễn xướng đã thay đổi, Hò Đồng Tháp chỉ tồn tại ở dạng truyền nghề, chủ yếu với hình thức gia đình, nhóm sở thích, câu lạc bộ hay tham dự các lớp tập huấn ngắn hạn do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức, hiếm có người được đào tạo chính quy, trường lớp, bài bản nên sự mai một nghề nghiệp của Hò Đồng Tháp trước áp lực của nhiều loại hình nghệ thuật khác là điều không tránh khỏi.

Để góp phần khôi phục và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp phối hợp các nhà chuyên môn đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, mở các tập huấn lớp truyền dạy về Hò Đồng Tháp ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tỉnh đề nghị đưa Hò Đồng Tháp vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia để duy trì, phát triển của điệu Hò Đồng Tháp trong tương lai./.

Nguồn ĐCSVN