Bão tan, miền Trung lại đối phó với lũ

       Đến tối 15/10, mực nước trên các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam lên nhanh gây ngập lụt ở vùng trũng.

Bão số 11 đã qua, nhưng triều cường kết hợp với thủy điện xả lũ khiến mực nước các sông ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang lên nhanh, gây ngập lụt khu vực hạ du. Hiện nay, các địa phương miền Trung vừa tập trung khắc  phục hậu quả của bão số 11 vừa đối phó với nguy cơ lũ lớn.

Tuyến đường ven biển Sơn Trà, Đà Nẵng bị sóng đánh sạt lở nhiều đoạn (Ảnh: Đình Thiệu)

Đến tối 15/10, bão số 11 ảnh hưởng trực tiếp tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã làm 4 người thiệt mạng và mất tích, 22 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị sập, tốc mái, mất điện trên diện rộng. Chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung huy động hàng nghìn cán bộ chiến sỹ đội, công an, dân quân địa phương về vùng thiệt hại giúp dân khắc phục hậu quả. Gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang đang giúp người dân ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Công ty Môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng huy động hơn 750 công nhân liên tục tăng ca, thực hiện yêu cầu của UBND thành phố phấn đấu dọn dẹp cây xanh ngã đổ, phấn  đấu hoàn tất vào 16h ngày 15/10.

Ông Lê Đỡ, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng cho biết, toàn bộ công nhân làm cả ban đêm để dọn dẹp cây xanh và vệ sinh môi trường đồng thời có sự chung tay của người dân và các lực lượng vũ trang:

Công ty vận động toàn bộ cán bộ công nhân tăng cường thời gian. Trong triển khai, công ty ưu tiên xử lý rác thải trong dân và xử lý rác thải do cơn bão để lại.

Cây đổ ngổn ngang trên đường do bão số 11 gây ra ở Đà Nẵng (Ảnh: Đình Thiệu)

Do ảnh hưởng của cơn bão số 11 khiến cho hệ thống truyền tải điện 500 KV Bắc – Nam gặp sự cố dẫn đến việc ngưng cung cấp điện ở nhiều địa phương từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Đến tối 15/10, hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và một số khu vực trung tâm ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ – tỉnh Quảng Nam đã có điện trở lại. Riêng tại Quảng Nam có hơn 130 trụ điện bị ngã gãy đỗ, nhiều trạm biến áp hư hỏng.

Ông Trần Minh Châu, Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết đã huy động tất cả lực lượng khắc phục lưới, sớm cấp điện cho dân.

Bão vừa qua đi, hàng nghìn người dân hạ du của 2 con sông Vu Gia – Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, sông Bồ, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đối diện với nguy cơ ngập lụt vì thủy điện xả nước.

Trong khi người dân chưa chưa khắc phục xong hậu quả của bão số 11 gây ra, thì họ  lại lo đối phó với ngập úng do các thủy điện đầu nguồn tấp cập xã lũ. Đến tối 15/10, mực nước trên các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam lên nhanh gây ngập lụt ở vùng trũng. Chính quyền các địa phương này vừa tập trung khắc phục hậu quả cảu bão số 11 vừa đối phó với lũ. Người dân vùng thấp trũng các lo di chuyển đồ đạc tài sản, kê gác lên cao, đề phòng lũ lớn về trong đêm.

Ngập lụt sau bão số 11 ở Bao Vinh, TP Huế (Ảnh: Hoàng Hải)

Tại khu vực các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Cường của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ngày 15/10,  nước bắt đầu lên nhanh. Tại các huyện miền núi của tỉnh này có mưa lớn nên các thủy điện Đắk Mi 4, A Vương đã tăng cường xả lũ với lưu lượng trên 1000 mét khối/ giây, khiến nước ở Vu Gia đang dâng nhanh. Hiện, chính quyền các địa phương vùng hạ du như Đại Lộc, Điện Bàn, và thành phố Hội An sẽ di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân ở vùng ngập trũng.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Lần nào thủy điện xả lũ, Hội An cũng bị ngập. Nếu thủy điện xả nữa thì chắc chắn Hội An lũ rất cao. Do đó, cùng với việc khắc phục hậu quả bão số 11, chúng tôi còn tập trung ứng phó với cơn lũ này, đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con hạn chế thấp nhất thiệt hại”./.

Nguồn vov.vn