Băng ở Bắc Cực gắn liền với biến đổi khí hậu

       Kết luận trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ số ra ngày 17/2 cho biết các lớp băng tại Bắc Cực đang trở nên kém sáng hơn do tình trạng tan băng nhanh gắn liền với hiện tượng Trái đất ấm lên.

Điều này đưa ra một chu trình khép kín của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ Trái đất tăng lên khiến băng tan nhanh và băng tan lại tiếp tục làm tồi tệ thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Bằng cách sử dụng phương pháp đo lường bằng vệ tinh, các nhà khoa học đến từ Viện Hải dương học ở California đã tiến hành đo độ phản chiếu ánh sáng của các tảng băng vào không gian. Kết quả cho thấy các lớp băng đang ngày càng mỏng và trở nên sẫm màu hơn, gấp từ 2-3 lần so với dự đoán trước đó. Nghiên cứu cũng cho thấy độ tối của các lớp băng tại Bắc Cực cũng tăng lên 8% so với giai đoạn 1979 và 2011.

Chuyên gia Ian Eisenman giải thích việc băng tan nhanh vào mùa hè đã khiến băng trở nên mỏng hơn cũng như để lộ những vùng nước màu đen của đại dương bên dưới. Lớp băng càng dày, màu càng trắng thì mức độ phản chiếu càng mạnh, thậm chí mạnh gấp đôi tầng băng mỏng và gấp 10 lần mặt nước, và lượng nhiệt tỏa lên sẽ nhiều hơn. Do đó, khi tầng băng trở nên mỏng đi hay tan thành nước, sức phản chiếu ánh sáng sẽ giảm và Trái đất sẽ phải hấp thu nhiều năng lượng Mặt trời hơn.

Các chuyên gia kết luận tan chảy và hóa đen băng Bắc Cực vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của hiện tượng Trái đất ấm lên. Các núi băng ở Bắc Cực đang tan chảy với tốc độ chóng mặt, kéo theo mực nước biển dâng cao, thu hẹp môi trường sống của các loài sinh vật tại đây và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân ven biển.

Một nghiên cứu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố hồi tháng 10/2013 cho thấy biển băng Bắc Cực đang tiếp tục giảm mạnh về số lượng và các lớp băng tại đây cũng trở nên mỏng đi nhanh hơn so với các vùng khác./.

Nguồn Chính phủ