Bài cuối: Làm gì để “chất lửa” của nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” cháy mãi?

Từ khi được tìm thấy và trả về đúng tác giả, quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Thiên đã có một sức hút mãnh liệt đối với những người đang sống bởi “chất lửa” trong đó. Ý chí cách mạng, khát vọng tuổi 20 của nhà giáo-liệt sĩ trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh sẽ là một lý tưởng cho thế hệ trẻ học tập, phấn đấu…

* TS Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh:

Nữ nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Thiên mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ và đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà học tập. Quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của chị làm rung động lòng người. Sự chân thực của nội dung quyển nhật ký, chất lý tưởng cùng ngọn lửa nhiệt tình sống tỏa ra từ những trang nhật ký đã có sức cuốn hút và lan truyền kỳ diệu đối với những thế hệ hôm nay.

Vùng đất Tiền Giang có truyền thống giáo dục phát triển từ rất lâu đời. Con số 60 liệt sĩ của ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh nhà trong thời kỳ chống Mỹ (trong đó có một số liệt sĩ là nhà giáo chi viện) đã minh chứng cho điều đó. Quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Thiên mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của một công dân yêu nước đối với xã hội thông qua việc làm cụ thể trong cuộc sống và chiến đấu. Nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Thiên là một tấm gương tiêu biểu cho Ngành giáo dục tỉnh nhà với một lý tưởng sống cao đẹp.


Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tổ chức, in và phổ biến rộng rãi trong toàn ngành quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Thiên; đồng thời, tổ chức tọa đàm để góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và học sinh đối với xã hội. Song song đó, đề xuất đặt tên của nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Thiên cho một ngôi trường ở địa phương để góp phần phát giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đặc biệt, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với lãnh đạo huyện Cai Lậy xây dựng một ngôi mộ cho nữ liệt sĩ trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện để ghi nhớ công ơn của chị.

*Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh

Những Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… đã in dấu ấn sâu sắc trong tâm khảm của mỗi chúng ta về lứa tuổi hai mươi đầy nhiệt huyết. Và hôm nay, một lần nữa tôi thật sự xúc động khi đọc quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, của người giáo viên, người con ưu tú của Đảng, người nữ chiến sĩ Lê Thị Thiên. Nội dung quyển nhật ký thật cô đọng và sâu sắc, mang nặng tình yêu quê hương đất nước, thể hiện một tấm lòng son sắt hướng về Đảng, về Bác Hồ… – một tấm lòng khát khao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, chị đã sống với lý tưởng cao đẹp, với tâm hồn luôn trẻ trung trong sáng. Những dòng nhật ký của chị như chắt lọc từ sâu thẳm tận đáy lòng, như trải ra với những yêu thương, khát khao cống hiến…


          Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nhất là đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên về nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn Tiền Giang sẽ tổ chức cuộc thi viết cảm nhận nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, thời gian phát động từ ngày 30-4-2013 đến 30-10-2013, lễ tổng kết trao giải hội thi dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Ban thường vụ Tỉnh Đoàn mong muốn và tin tưởng rằng hội thi sẽ có sức lan tỏa, cổ vũ, động viên mạnh mẽ thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, nâng cao tình yêu quê hương đất nước trong tuổi trẻ Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung…

*Thượng úy Lê Văn Bớt, trợ lý thanh niên Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:

Đọc những dòng nhật ký của nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Thiên vào những ngày đất nước đang hân hoan kỷ niệm 38 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975 30-4-2013), tôi thực sự xúc động và khâm phục trước sự hy sinh cao cả của người con gái thánh thiện Lê Thị Thiên. Theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân vì lý tưởng cao đẹp “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.


Tôi đã cảm nhận được ngọn lửa cách mạng cháy hừng hực trong từng câu chữ của quyển nhật ký. Là những thế hệ trẻ, hơn ai hết mỗi đoàn viên, thanh niên phải học tập thật đức tính bình dị mà cao cả của chị; về lý tưởng sống của người đảng viên cộng sản để từ đó ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt; tích cực tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, có lối sống trong sạch lành mạnh, có ý chí phấn đấu khắc phục khó khăn, phát huy tính xung kích, năng động sáng tạo của tuổi trẻ, theo lời dạy của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

*Tiến sĩ Võ Phúc Châu, giảng viên khoa Sư phạm Đại học Tiền Giang

Quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” chứa chan lòng yêu nước của một nhà giáo-liệt sĩ. Những dòng chữ trong nhật ký của chị tỏa sáng vẻ đẹp của tuổi trẻ. Những sự kiện, những vùng đất, những con người… trong nhật ký đã làm hiển hiện một chặng đường đấu tranh cách mạng đầy cam go, mà khi ấy, thế hệ chúng tôi còn chưa kịp chào đời.


Qua những dòng nhật ký, tôi nhận ra một nữ giáo viên rất trẻ. Cô hạnh phúc vì được cách mạng giao trọng trách học ngành Sư phạm. Tôi tự hỏi: Bản thân đã có được một động cơ đẹp như thế chưa khi viết đơn thi vào ngành Sư phạm và có được lòng yêu nghề, niềm khát khao phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực như cô Thiên chưa? Qua những dòng nhật ký, tôi còn nhận ra một người con luôn nuôi giữ niềm tự hào, luôn tự dặn lòng phải sống xứng đáng với truyền thống gia đình và những người đi trước. Đọc những dòng chữ tràn đầy tình yêu thương này, tôi trăn trở: Bản thân đã hòa quyện giữa tình cảm gia đình và tình yêu lý tưởng? Và tôi nhận ra ở nữ liệt sĩ một bài học sáng ngời: Người cộng sản phải biết yêu Đảng và yêu quý cả gia đình, người thân của mình. Tình yêu đó thôi thúc mình phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình, với niềm tin của Đảng.

Và còn nhiều nữa, những dòng chữ trong nhật ký đã bồi đắp thêm nhận thức, tình cảm cho tôi – một nhà giáo trong thời đại mới. Chúng tôi hôm nay được hưởng thụ nhiều chế độ đãi ngộ, được tạo điều kiện vun đắp cho cuộc sống riêng tư. Vì vậy, tôi vô cùng cảm phục và biết ơn những cống hiến thầm lặng như nhà giáo-liệt sĩ Lê Thị Thiên mà không một đòi hỏi gì về quyền lợi. Cô chính là tấm gương sáng ngời của một người cộng sản, một nhà giáo nhân dân.