Âm nhạc đỉnh cao: Sống thế nào trong thời “nghe bằng mắt”?

    Có bao nhiêu Mạnh Thường Quân người Việt sẵn sàng hỗ trợ cho khoa học hay nghệ thuật đỉnh cao, thay vì bỏ tiền vào các chương trình giải trí luôn thừa mứa tiền bạc và doanh nghiệp xếp hàng dài chờ quảng cáo?
                

          Âm nhạc đỉnh cao: Sống thế nào trong thời                           

     Lấp lánh những tín hiệu mừng

     Cách đây ba năm, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc từng đăng đàn trong một bài báo gây xôn xao dư luận mang tên “Khi Đặng Thái Sơn không thể “địch” lại Hương Lan, Tuấn Vũ”. Đó là tháng 10-2010, thời kì của các nghệ sĩ hải ngoại biểu diễn rầm rộ tại thủ đô và được săn đón không ngờ. Giá vé cho những buổi biểu diễn của những ngôi sao một thời ấy rơi vào khoảng từ một triệu đến hai triệu rưỡi. Như ông Đặng Hữu Phúc từng nói “diễn hàng nửa tháng trời vẫn kín chỗ, không có vé mà mua”.

     Với trải nghiệm của một nghệ sĩ đã sống qua hơn nửa thế kỷ ở Hà Nội, ông Đặng Hữu Phúc cho biết, năm 1970, dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Beethoven, mười đêm nhạc Beethoven ở Nhà hát Lớn lúc nào cũng đông nghịt người. Nhưng “Bây giờ chắc không thể được như thế” – ông nói – “Chương trình hòa nhạc “VNSO Beethoven Cycle Vol.5” với nghệ sĩ piano nổi tiếng người Nhật Michie Koyama (người đoạt hai giải quốc tế vào loại lớn nhất: Chopin và Tchaikovsky) rất vắng người xem”.

     Tuy nhiên, trong chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, mọi sự bắt đầu thay đổi. Năm 2012 là một năm đời sống âm nhạc Việt Nam có nhiều chuyển biến trong lĩnh vực biểu diễn. Trong bối cảnh các show nhạc nhẹ không còn bán vé “trên trời”, sao hải ngoại hạ nhiệt, một số chương trình nghệ thuật như “Không gian âm nhạc” phải tìm hướng đi mới do cầu đã bão hòa ở mức giá vé quá cao.., thì âm nhạc cổ điển bắt đầu được vực dậy.

     Cùng với việc các thương hiệu lớn tìm đến nhạc cổ điển như một hình ảnh đại diện cho sự sang trọng và đẳng cấp (hòa nhạc Hennessy, hòa nhạc Toyota, hòa nhạc Điều còn mãi, hòa nhạc Techcombank, hòa nhạc Bitexco, hòa nhạc Luala… ), một loạt các nghệ sĩ Việt đã và đang sinh sống tại nước ngoài cũng trở về biểu diễn trong nước thường xuyên hơn, như nhạc trưởng Lê Phi Phi, nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang, Trang Trịnh… Tất cả đã tạo nên một bầu không khí đầy sôi động. Đỉnh điểm là hai buổi diễn cháy vé của NSND Đặng Thái Sơn với chủ đề Beethoven Marathon diễn ra đầu năm 2013.

     Nếu như vào năm 2010, buổi biểu diễn của nghệ sĩ Nhật Bản Michie Koyama vắng bóng người xem, đến tháng sáu năm 2013, “báu vật Nhật Bản” Nobuyuki Tsujii (giải thưởng piano quốc tế Van Cliburn) lại giành được sự chú ý đặc biệt của công chúng.

     Ngày nay, tầng lớp thượng lưu muốn khẳng định đẳng cấp của mình bằng nhạc cổ điển, ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt muốn thử sức bằng việc hát cùng dàn nhạc hay tiếp cận cổ điển giao thoa… Dưới hàng ghế khán giả, độ tuổi của người xem ngày càng trẻ hơn. Cha mẹ cho con đi nghe cổ điển. Âm nhạc cổ điển bắt đầu không còn xa lạ với công chúng dù số người hiểu về nó vẫn không nhiều. Nhưng dù sao lớp khán giả đông đảo nhất – khán giả trung lưu – đã bắt đầu quan tâm đến những buổi biểu diễn của thể loại này để thử tự nâng cấp khả năng cảm thụ.

     Thách thức đến từ thời “nghe bằng mắt”

     Ngược trở lại những năm 1990 đến năm 2000, khi truyền hình và sau đó là internet bắt đầu bùng nổ. Từ đó trở đi là thời kỳ thịnh vượng của nhạc trẻ tại Việt Nam, bắt đầu với giải thưởng Làn sóng xanh, chương trình MTV Châu Á. Cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ 21 là sự xuất hiện rầm rộ của các kênh truyền hình âm nhạc dành cho giới trẻ như iTV, Yantv, Yeah1… Và đương nhiên, không có kênh nào dành cho âm nhạc cổ điển và phát sóng suốt ngày đêm như vậy.

     Âm nhạc cũng đã trở thành một thứ thông tin giải trí với thời trang, nhan sắc và vũ đạo, những màn trình diễn tạp kĩ trên sân khấu và ánh sáng nhiều màu.

     Kỷ nguyên số là lúc mọi thứ nghe – xem có thể tiếp cận người dùng với tốc độ chóng mặt và sự thay đổi cũng chóng mặt. Con người ở mọi nơi trên thế giới chìm ngập trong biển hình ảnh, thông tin. Internet giúp mọi người tiếp cận mọi thứ nhanh hơn, phong phú hơn, rộng rãi hơn, nhưng không có nghĩa là sâu sắc hơn.

     Sự khủng hoảng với âm nhạc cổ điển không chỉ xảy ra ở Việt Nam – nơi vốn không phải là cái nôi của thể loại này. Ngay tại các quốc gia phương Tây (Anh, Đức, Pháp, Mỹ…) có truyền thống lâu đời về nghệ thuật, các tổ chức và những người đứng đầu chính phủ cũng phải chật vật nghĩ cách để níu giữ âm nhạc đỉnh cao lại với khán giả trong thời “fastfood”.

     Đâu là lời giải?

     Thực ra, sẽ không có vấn đề gì nếu như mọi thứ có một tỷ lệ cân xứng giữa nghệ thuật và giải trí, giữa hướng thượng và hiện thực. Thế nhưng, khi nghệ thuật bị mai một và giải trí lên ngôi, có nghĩa là con người đang đi lạc trong sự phù phiếm và dễ dãi, quên đi khoảng không gian phóng niệm của trí tưởng tượng và thiếu một tầm nhìn xa cho phát triển.

     Chìa khóa của lời giải đáp nằm trong tay những người đã vượt qua cơn khủng hoảng và nhìn thấy con đường rộng dài trước mặt. Họ phải trở thành người truyền cảm hứng và tạo ra cơ chế thúc đẩy những điều tốt đẹp. Tại nhiều nước trên thế giới, chính phủ tài trợ cho các nhà hát và dàn nhạc, tài trợ cho các cuộc thi âm nhạc lớn, giảm giá vé concert cho học sinh, sinh viên. Nhiều Mạnh Thường Quân sẵn sàng hỗ trợ cho nghệ thuật đỉnh cao thay vì bỏ tiền vào các chương trình giải trí luôn thừa mứa tiền bạc và doanh nghiệp xếp hàng dài chờ quảng cáo.

     Trở lại những điểm sáng của âm nhạc cổ điển năm 2012 và 2013 tại Việt Nam, tiến sĩ Tạ Quang Đông (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) nhận định: một trong những lý do để âm nhạc cổ điển đang có nhiều công chúng hơn, đó là truyền thông đã bắt đầu quan tâm đến thể loại này. Thay vì sự thờ ơ xa lạ trong nhiều năm trước, ngày càng có nhiều tờ báo, đài truyền hình đưa tin sự kiện và tường thuật, dù vẫn có rất ít bài viết chuyên sâu.

     Dù vậy, trông chờ vào hiệu ứng truyền thông cũng chỉ là sự nhất thời. Quan trọng hơn là gây dựng được một nền tảng tri thức và tầm nhìn dày dặn trong công chúng.

     Nghệ sĩ piano Trang Trịnh từng nói, để Hàn Quốc có được vị trí như ngày nay (nổi lên sau Trung Quốc và Nhật Bản như là quốc gia châu Á giành được nhiều giải thưởng quốc tế nhất), người đàn ông trong gia đình đòi hỏi phải làm được ba việc cho con cái: cho con đi học piano, học tiếng Anh và học karate. Điều đó đã trở thành nền tảng giáo dục cơ bản trong các gia đình trung lưu của họ.