Ban Dân nguyện của Quốc hội làm việc với Tiền Giang

      Vừa qua, Đoàn công tác của Ban Dân nguyện Quốc hội do ông Hà Công Long, Phó Trưởng Ban Dân nguyện làm trưởng đoàn đã đến Tiền Giang giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến việc ban hành và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách của xã, phường, thị trấn và ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh. Tiếp đoàn có bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành.

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 271/2010/NQ-HĐND quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2010/QĐ-UBND và Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND để thực hiện các nghị quyết trên.

Qua thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, nhìn chung cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách ở xã, ấp phấn khởi công tác; đa số tích cực, có tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, làm việc đi vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn trước; hiệu lực, hiệu quả công tác được nâng lên.

Với quy định của Chính phủ và chế độ chính sách của tỉnh đã đào tạo được cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, an tâm công tác ở cơ sở. Bên cạnh việc bố trí, sắp xếp, tuyển chọn công chức, UBND tỉnh tạo điều kiện để các địa phương trang bị cơ sở vật chất, trụ sở làm việc nên hiệu quả công tác ở chính quyền cấp xã, công chức cấp xã được nâng lên, nhiều công chức mẫn cán trong thực thi công vụ. Công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp xã có chuyển biến rõ rệt, đến nay có 88,95% công chức đạt chuẩn.

Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Do yêu cầu cơ cấu nhân sự và tổ chức nên cán bộ, công chức cấp xã thường không ổn định; số lượng cán bộ nhiều, chế độ chính sách đối với cán bộ, công tác ở nhiều xã nói chung còn nhiều vấn đề chưa thực sự thỏa đáng, nên không thu hút được người có trình độ chuyên môn về công tác ổn định lâu dài ở cơ sở. Cán bộ ở cơ sở có trình độ không đồng đều và thường hay biến động, nhất là thời điểm sau đại hội hết nhiệm kỳ ở cấp ủy và các đoàn thể. Do lớn tuổi, nhiều cán bộ chủ chốt ở khối Đảng, chính quyền và đoàn thể ngại theo học các lớp chuyên môn (thường các cán bộ này chỉ đủ chuẩn về trình độ chính trị).

Hiện cán bộ cấp xã còn một số người có kinh nghiệm lâu năm, song không thể đưa đi đào tạo vì tuổi cao, học vấn thấp. Có những cán bộ gần hết tuổi giữ chức vụ, nhưng chưa có người thay thế, một phần do chưa có sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ sở trong công tác quy hoạch, đào tạo nguồn. Trong công tác chuẩn hóa cán bộ, còn nhiều địa phương thiếu kiên quyết nên hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã có lúc chưa cao. Mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách không quá hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu chung là quá thấp, không đảm bảo đời sống, làm ảnh hưởng đến tâm tư, phong trào ở cơ sở trong khi không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Do đó phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng một số cán bộ, làm cho hiệu quả công việc chưa cao. Hiện tại không có quy định về chế độ thôi việc đối với cán bộ chuyên trách cấp xã cũng làm ảnh hưởng đến tâm tư trong thời gian công tác,…

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của hệ thống chính trị ở cơ sở, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị các vấn đề sau: Cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp, nhất là đối với chính quyền cấp cơ sở. Nghiên cứu sửa đổi chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở nói chung. Đề nghị những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố là đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cần nâng mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, vì không vượt quá hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu chung là quá thấp, không đảm bảo đời sống; có chính sách cụ thể về chế độ phụ cấp công vụ đối với công chức được điều chuyển đến công tác ở các tổ chức hội; có quy định cụ thể xử lý kỷ luật đối với cán bộ chuyên trách cấp xã. Chính phủ cần có quy định cụ thể, tiêu chuẩn của những người hoạt động không chuyên trách, có chế độ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi cho cán bộ chuyên trách cấp xã, nhằm giải quyết cho những người chưa đạt chuẩn mà không thể cử đi đào tạo được nghỉ việc,…

Ông Hà Công Long, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đã ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Tiền Giang trong việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khu phố thời gian qua; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh về những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh để trình Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết.